Thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.
Toàn tỉnh có hơn 100 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư với diện tích đất sử dụng khoảng 1,7 nghìn ha. Một số ít dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, còn lại đa phần thời hạn ngắn, khoảng 3 năm, 5 năm, 8 năm…. Do việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm và ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, nhiều dự án đã hết hoặc chuẩn bị hết thời hạn hoạt động, phải làm thủ tục xin gia hạn.
Việc quy định thời hạn hoạt động dự án ngắn gây nhiều khó khăn cho DN. Đó là có dự án chưa triển khai xây dựng đã có nguy cơ phải làm thủ tục xin gia hạn; một số dự án đã hoàn thành xây dựng hạ tầng, thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, đã được cấp “sổ đỏ” nhưng phải dừng kinh doanh do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết hạn, muốn chuyển nhượng đất phải thực hiện thủ tục xin gia hạn thời hạn hoạt động của dự án và gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện nay, thủ tục xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án thường kéo dài, trong khoảng thời gian đó các DN phải dừng lại mọi hoạt động và kinh doanh, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dự án. Đại diện một số DN kinh doanh BĐS chia sẻ, Luật Đầu tư 2020 quy định, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định. Căn cứ vào tình hình thực tiễn và pháp luật về đầu tư, nhiều DN đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án khu đô thị, khu dân cư theo quy định và theo đề nghị của nhà đầu tư; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành liên quan rút ngắn thời gian thẩm định việc xin gia hạn.
Có thể thấy, việc quy định thời hạn thực hiện dự án ngắn nhằm tạo động lực cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác, tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ là “rào cản” cho DN khi công tác GPMB gặp trở ngại. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, khi thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, tham mưu cho tỉnh thời hạn hoạt động dự án phù hợp, bảo đảm tạo thuận lợi cho DN, phát huy hiệu quả cao nhất của dự án BĐS.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại Bắc Giang
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm sau bão
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Kiểm tra tại Lục Ngạn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo: Cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân
Nhiều khu vực ở Bắc Giang bị gián đoạn cung cấp nước sạch do lũ
Bắc Giang: Các đơn vị quân đội huy động hơn 6 nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp dân chống lũ
Lũ trên sông Thương, sông Lục Nam vượt báo động 3; dung tích nhiều hồ chứa đã đạt mức thiết kế
Quy định đánh số nhà thay đổi thế nào từ 15/10?