Nữ doanh nhân đưa vải thiều xuất ngoại

Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2024 151 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Vào vụ vải thiều, dọc quốc lộ 31, đoạn từ phố Kim, xã Phượng Sơn lên đến xã Biển Động (Lục Ngạn) có hơn 10 điểm cân mang tên “Bằng Thủy”. Nhiều hộ muốn bán sản phẩm tại những điểm cân này bởi chủ điểm cân làm ăn uy tín, chuyên nghiệp. Người gây dựng nên thương hiệu ấy là nữ doanh nhân Tạ Thị Thủy (SN 1980), Giám đốc HTX Nông nghiệp Bằng Thủy (HTX Bằng Thủy), xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

Đồng hành với nông dân

Nhiều người dân Lục Ngạn không còn xa lạ với hình ảnh nữ giám đốc đầu đội nón, chân đi dép lê, xắn quần vào tận vườn vải hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch quả để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Còn với tôi, chị để lại nhiều ấn tượng trong các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều do huyện Lục Ngạn tổ chức. Khi ấy, ngoài vai trò đại diện cho HTX thu mua, tiêu thụ vải thiều, chị còn là phiên dịch viên tiếng Trung Quốc giúp kết nối giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương với các doanh nhân nước bạn. Chị cũng nhiều lần cùng đoàn công tác của huyện tham gia các hoạt xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc. Dù khá năng động trong kinh doanh nhưng nữ doanh nhân ấy luôn khiêm tốn và ngại nói về bản thân. Chị bảo: “Đất Lục Ngạn có nhiều người làm vải xuất khẩu chứ riêng gì tôi đâu, hơn nữa Bằng Thủy chỉ là một HTX nhỏ”.

Chị Tạ Thị Thủy vào nhà vườn kiểm tra chất lượng trước khi thu hoạch vải xuất khẩu.

Sinh ra và lớn lên giữa “thủ phủ vải thiều”, chị Tạ Thị Thủy từng có nhiều năm kinh doanh tại chợ cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc), biết tiếng Trung Quốc và am hiểu thị trường nước bạn. Nhờ giỏi ngoại ngữ, chị làm quen với nhiều bạn hàng là các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây lớn của Trung Quốc, trong đó phải kể đến Công ty Hồng Thái Dương. “Trung Quốc là thị trường khổng lồ, trong khi số lượng nhập khẩu trái cây của Công ty Hồng Thái Dương thì không hạn chế, quan trọng là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu hay không”, chị Thủy chia sẻ.

Mong muốn đưa loại quả đặc sản của quê hương sang thị trường nước bạn, từ năm 2000, chị Thủy bắt đầu xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi ấy do chưa biết cách bảo quản, đóng gói nên quả vải đưa đến nơi sụt giảm chất lượng. Sau này, nhất là từ năm 2014, khi chị hợp tác với Công ty Hồng Thái Dương, công nghệ bảo quản, đóng gói được cải tiến, góp phần nâng giá trị quả vải, khẳng định được uy tín với bạn hàng.

Chị Tạ Thị Thủy và lô vải xuất khẩu.

Năm 2021, nhằm nâng quy mô hoạt động, chị đứng ra thành lập HTX Bằng Thủy với 16 thành viên tham gia. Những năm qua, chị và HTX đã đầu tư xây dựng kho bảo quản, sơ chế, đóng gói vải thiều bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều khác biệt giữa điểm cân vải của HTX Bằng Thủy với nhiều điểm cân khác trên địa bàn là hoạt động thu mua diễn ra cả sáng lẫn chiều, điều này giúp bà con giảm bớt áp lực phải thu hoạch vào ban đêm. Ngoài ra, nếu như buổi sáng HTX đã hợp đồng thu mua vải với nông dân thì dù phía đối tác có báo giảm thì HTX vẫn giữ ổn định giá cả ngày. Đây là một trong những “điểm cộng” được người dân đánh giá cao.

Nâng giá trị quả vải

Dịp tháng 6 này, các điểm cân vải của HTX Bằng Thủy khá sôi động, với hơn 100 nhân công thu mua, sơ chế, đóng gói sản phẩm, vận chuyển lên xe. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 50 tấn vải xuất khẩu. “Năm 2022, chúng tôi xuất khẩu 3 nghìn tấn vải sang Trung Quốc, năm 2023 xuất khẩu 4 nghìn tấn và năm nay do sản lượng thấp nên dự kiến chỉ xuất ngoại khoảng 2 nghìn tấn. Hiện một số doanh nhân Trung Quốc đã trực tiếp sang phối hợp với HTX tiêu thụ vải thiều”, chị Tạ Thị Thủy cho biết.

Một điểm thu mua vải thiều của HTX Bằng Thủy.

Sau nhiều năm gắn bó với quả vải, chị Thủy nhận thấy người dân Lục Ngạn đã có thay đổi lớn trong tư duy sản xuất nhằm hướng đến những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các điều kiện khắt khe từ nước nhập khẩu. Để xuất khẩu được quả vải, người dân phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quy trình trồng tuân thủ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Chị chia sẻ: “Chúng ta đừng quá lo đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề đáng quan tâm hơn là chuẩn bị thật tốt để sản phẩm có thể cạnh tranh với nông sản các nước như Thái Lan, Malaysia và đến được nhiều thị trường. Với HTX Bằng Thủy, việc xây dựng niềm tin, uy tín đối với nông dân, người tiêu dùng và đối tác luôn được coi trọng hàng đầu, thậm chí đặt cao hơn vấn đề lợi nhuận. Từ khi vải ra hoa, đậu quả, cán bộ của HTX đã trực tiếp vào các vườn khảo sát, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc và sẽ đặt mua theo vườn khi đủ điều kiện”.

Ông Lý Vệ Cường (SN 1978), doanh nhân người Quảng Đông (Trung Quốc), đại diện Công ty Hồng Thái Dương cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao và rất tin tưởng chị Tạ Thị Thủy cũng như HTX Bằng Thủy. Trong những năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty không cử người trực tiếp sang Lục Ngạn thu mua hàng song vẫn duy trì hoạt động hợp tác xuất, nhập khẩu. Hàng nghìn tấn vải thiều được HTX Bằng Thủy tuyển chọn rồi chuyển sang Trung Quốc cho Công ty Hồng Thái Dương đều bảo đảm chất lượng”.

Nhân công đóng gói vải tại điểm cân của HTX Bằng Thủy.

Theo kinh nghiệm của HTX Bằng Thủy, Trung Quốc là thị trường lớn. Những năm gần đây, nước bạn đặt ra yêu cầu cao khi nhập khẩu nông sản nói chung và quả vải Việt Nam nói riêng. Vì vậy, nông dân, các doanh nghiệp, HTX cần nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo đảm quy cách trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói. Ngoài tiêu chuẩn chung, quả vải được HTX Bằng Thủy thu mua phải đáp ứng các tiêu chí như quả to đều, vỏ đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, mọng nước, không bị sâu cuống…

Ngoài vải thiều, HTX Bằng Thủy còn xuất khẩu long nhãn và táo Lục Ngạn. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện ô mai vải thiều với những dòng sản phẩm: Ô mai vải xào me, gừng và quất. Các mặt hàng này đã được chứng nhận OCOP 3 sao do HTX Bằng Thủy làm chủ thể. Giám đốc HTX Bằng Thủy Tạ Thị Thủy cho hay: “Vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng không chỉ trong nước mà đã xuất khẩu sang nhiều nước. Tuy nhiên, mùa quả chín diễn ra trong thời gian ngắn, bảo quản quả tươi rất khó.

{keywords}

Chị Tạ Thị Thủy rất tâm huyết với hoạt động tiêu thụ nông sản của địa phương nói chung và vải thiều nói riêng. Từ sự hợp tác giữa chị với các thương nhân nước ngoài góp phần nâng tầm giá trị, lan tỏa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên thị trường. Nhiều lần chị Thủy được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng”.

Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn

Mong muốn lưu giữ hương vị vải thiều lâu hơn, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra thị trường các loại ô mai vải”. Để có được sản phẩm chất lượng cao, HTX chú trọng tuyển chọn nguyên liệu đầu vào sau đó kết hợp với vị chua của me, quất – chanh và vị cay của gừng để tạo nên sự hài hòa nhưng vẫn giữ được hương vị vải thiều. Các bước chế biến đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ô mai vải màu cánh gián, vị chua ngọt, có mùi thơm của vải, me, quất, gừng.

Theo chị Thủy, vải thiều là “cây làm giàu”, niềm tự hào của người dân Lục Ngạn. Thế nhưng cho dù trình độ canh tác của bà con đã nâng lên đáng kể song vẫn chưa tránh được quy luật của thời tiết. Ví như năm nay, gặp thời tiết không thuận lợi là sản lượng sụt giảm mạnh, dẫn đến nhiều nhà vườn trắng tay. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra. Khả năng bảo quản, chế biến còn hạn chế nên quả vải chủ yếu được bán tươi, hiệu quả không cao như sản phẩm chế biến sâu. Những trăn trở ấy cũng là bài toán đặt ra đối với không chỉ người nông dân, doanh nghiệp, HTX mà cả với ngành chức năng, chính quyền địa phương. Khắc phục được điều đó, chắc chắn quả vải Bắc Giang sẽ ngày càng vươn xa, giảm áp lực tiêu thụ, nâng cao giá trị.

Theo Báo Bắc Giang