Từ tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống TNTC: Bài 3: Kiên quyết, kiên trì, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Ba, 21 Tháng Ba, 2023 147 lượt xem Chia sẻ bài viết:
Thời gian tới, với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN thì việc tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) càng có vai trò quan trọng.

Xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch

Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ sau Đại hội XI của Đảng, đặc biệt từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương (T.Ư) về phòng, chống TNTC trực thuộc Bộ Chính trị, T.Ư Đảng đến nay và sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống TNTC của đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Thành quả của công tác phòng, chống TNTC đã góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

 

Các đại biểu tham quan trưng bày tại buổi ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 2/2/2023).

Không phải như nhiều quan điểm sai trái, thù địch của một số đối tượng chống đối, phần tử cơ hội chính trị cho rằng phòng, chống TNTC là “thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”… hay không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống TNTC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Qua tổng kết, chúng ta thấy, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống TNTC lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Có được kết quả này, từ tổng kết trong tác phẩm của Tổng Bí thư, từ thực tiễn công tác phòng, chống TNTC trong thời gian qua, chúng ta thấy những vấn đề mang tính mấu chốt bảo đảm hiệu quả trong tổ chức thực hiện đó là:

(1) Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống TNTC; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

(2) Sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư và địa phương.

(3) Sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

(4) Sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trên dưới đồng lòng – Dọc ngang thông suốt

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển nước ta vào giai đoạn mới, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Đảng ta xác định trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phòng, chống TNTC vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa. Từ tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì phòng, chống TNTC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thiết nghĩ mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần quán triệt, vận dụng vào thực tế của cơ quan, đơn vị tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Tổ chức nghiên cứu, áp dụng, đúc kết, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; thực hiện một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” TNTC; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” TNTC và cơ chế bảo đảm để “không cần” TNTC trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Trước hết, quán triệt sâu sắc giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách của Tổng Bí thư, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống TNTC hiện nay. Triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cấp ủy các cấp; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống TNTC. Nâng cao quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt phòng, chống TNTC của hệ thống chính trị và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Thật sự phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống TNTC; vai trò nêu gương trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh chính trị, là tấm gương đạo đức, lối sống, văn hóa.

Phòng, chống TNTC là “chống giặc nội xâm”, chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ… Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Vì vậy phải được thực hiện thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở mỗi cơ quan, đơn vị. Thực hiện đồng bộ các biện pháp mà nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư đã đúc kết thành bài học từ biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng, đúc kết, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; thực hiện một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” TNTC; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” TNTC và cơ chế bảo đảm để “không cần” TNTC trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Cán bộ là gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Mỗi cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống TNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cơ quan, đơn vị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, không vướng vào những chuyện tiêu cực, đúng như Tổng Bí thư răn dạy: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.