Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dấu ấn nền “ngoại giao cây tre” của Việt Nam

Thứ Sáu, 26 Tháng Bảy, 2024 81 lượt xem Chia sẻ bài viết:

rong bối cảnh quốc tế đầy biến động và thay đổi nhanh chóng, Việt Nam đã chọn một đường lỗi ngoại giao đặc biệt, gọi là “chính sách ngoại giao cây tre”. Chính sách này không chỉ giúp Việt Nam duy trì độc lập, tự chủ mà còn thúc đẩy quan hệ đối ngoại đa dạng, bền vững và hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và thực thi chính sách này. Với tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn, Tổng Bí thư đã định hướng cho Việt Nam một đường lối ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn kiên định và nhất quán.

Chính sách ngoại giao cây tre được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản như kiên định mục tiêu độc lập, tự chủ. Dù có nhiều thay đổi trong tình hình quốc tế, Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu duy trì độc lập, tự chủ trong các quyết định đối ngoại. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất mà Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh. Như cây tre có thể uốn cong trước gió nhưng không bao giờ gãy, Việt Nam chủ trương linh hoạt trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác và phát triển. Việt Nam không chỉ duy trì quan hệ tốt với các nước lớn mà còn mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam không bị lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà trắng ở Thủ đô Washington, tháng 7/2015 (Ảnh: TTXVN).

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, trường phái ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao trong việc duy trì cân bằng mối quan hệ với các cường quốc lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Việt Nam đã thành công trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia mà không làm mất lòng bất kỳ bên nào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đóng vai trò định hướng mà còn là người trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi chính sách ngoại giao cây tre. Cụ thể, Tổng Bí thư thường xuyên tham gia các chuyến công du nước ngoài, gặp gỡ và làm việc với các nhà lãnh đạo quốc tế, từ đó tạo dựng và củng cố quan hệ song phương, đa phương. Trong thời gian giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến công du nước ngoài, gặp gỡ và làm việc với các nhà lãnh đạo quốc tế, từ đó tạo dựng và củng cố quan hệ song phương, đa phương. Có thể kể tới các chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (tháng 6/2011, 11/2016 và 2/2019), thăm Campuchia (tháng 12/2011, 7/2017 và 2/2019), thăm Cuba (tháng 4/2012 và 3/2018), thăm Trung Quốc (tháng 10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc; trước đó là các chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2011, tháng 4/2015, 1/2017), thăm Nga (tháng 11/2014 và 8/2018), Nhật Bản (tháng 9/2015) chuyến thăm lịch sử tới Mỹ (tháng 7/2015), Pháp (tháng 3/2018), Anh (tháng 1/2013)…

Tháng 9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng, một điều chưa từng có tiền lệ. Cũng trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Trong vòng một năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đã đón tiếp nguyên thủ quốc gia của 3 cường quốc lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga tới thăm Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia (bao gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia), quan hệ Đối tác chiến lược với 11 quốc gia khác và 12 quan hệ đối tác toàn diện. Những thành tựu này thể hiện rõ vai trò lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Baiden trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 9/2023).

Ông Kishore Mahbubani – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, hiện là học giả danh dự tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đánh giá chính sách đối ngoại của Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện khả năng điều hướng của Việt Nam trong môi trường địa chính trị quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp, và đó chính là chiến lược sáng suốt về địa chính trị mà chỉ một số ít quốc gia trên thế giới có được

Chính sách ngoại giao cây tre đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho Việt Nam, cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn an ninh, quốc phòng. Nhờ chính sách ngoại giao linh hoạt, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và khu vực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là những minh chứng rõ ràng cho thành công của chính sách này.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka Dr. G. Weerasinghe đánh giá: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển nhanh ở châu Á. Mức sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chương trình phát triển được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa và kế hoạch hóa tập trung rõ ràng đã thành công. Việt Nam đã bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội, không ngừng phát triển kinh tế – xã hội, phát huy vai trò của đất nước trên trường khu vực và quốc tế”.

Việt Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, điều này thể hiện uy tín và tầm ảnh hưởng của mình. Những thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc định hướng và thực thi chính sách ngoại giao cây tre.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump (tháng 11/2017).

Chính sách ngoại giao cây tre cũng giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong bối cảnh Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, Việt Nam đã duy trì được mối quan hệ hòa bình, ổn định với các quốc gia liên quan, đồng thời cũng khéo léo khai thác các diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Ông Prak Sokhonn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam”, đã nêu bật cách tiếp cận đối ngoại và ngoại giao đặc biệt của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển học thuyết và chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh còn nhiều phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và dễ bị tổn thương”.

Theo cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan, chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng linh hoạt và mềm mỏng để “dung hòa” với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với các lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như của khu vực. Điều này càng làm nổi bật tính chủ động và sự tự tin trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và cũng qua đó, Việt Nam đã chứng minh được chủ trương “làm bạn với tất cả các nước”.

Trưởng Ban Tiếng Việt, Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc Ngụy Vi nhận xét: Với tư cách là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo đất nước giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại những đổi thay toàn diện và tươi đẹp cho đất nước, đặc biệt là đã xác định được các vấn đề căn bản như con đường và phương hướng phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tích cực nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế của Việt Nam, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phong cách ngoại giao của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất đặc sắc với lập trường chính trị rõ ràng, biện pháp ngoại giao linh hoạt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu nghiên cứu, làm rõ phương châm ngoại giao độc lập, tự chủ, kiên trì lập trường chính trị đúng đắn và chính sách “bốn không”, phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Theo Báo Bắc Giang