Với mục đích đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, những năm qua, huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng
Theo đánh giá của các chủ thể, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, thị trường tiêu thụ mở rộng, sản lượng, doanh thu đều tăng hơn. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh, gia tăng giá trị hàng hóa. Bên cạnh chủ động xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là kết hợp bán hàng theo phương pháp truyền thống với phân phối trên nền tảng số được các chủ thể chú trọng.
Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn. |
Hợp tác xã (HTX) Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn, xã Trường Sơn có 3 sản phẩm được công nhận OCOP gồm: Trà hoa vàng túi lọc, trà hoa vàng và trà hoa vàng đông trùng túi lọc, trong đó sản phẩm trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn 4 sao. Để tạo thương hiệu, nâng uy tín và nâng chất lượng sản phẩm, HTX chú trọng công đoạn sơ chế, thiết kế mẫu bao bì bắt mắt, bảo đảm các tiêu chí, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… nên sản phẩm giữ được hương vị đặc trưng, thời gian bảo quản lâu dài.
Hiện nay, ngoài kênh bán hàng qua các đại lý, HTX còn mở rộng quảng bá sản phẩm và tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, kênh trực tuyến khác. Để nâng cao hiệu quả, thành viên HTX tích cực chụp ảnh, quay clip, viết lời giới thiệu đăng trên trang fanpage, trang cá nhân, giúp lan tỏa thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên tổ chức livestream (phát trực tiếp) và chốt đơn hàng.
Chị Nguyễn Thị Trà, Giám đốc kinh doanh của HTX chia sẻ, các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường và phù hợp yêu cầu thị trường. Được sự quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cấp chính quyền, ngành chức năng nên sản phẩm của HTX được đông đảo người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng ngày càng mở rộng trong và ngoài tỉnh. Mới đây, HTX đã đóng gói các giỏ quà từ sản phẩm OCOP khá bắt mắt với mục tiêu để làm quà tặng dịp Tết.
Hộ kinh doanh Trần Văn Tư, thôn Lầm, xã Trường Sơn – chủ thể của sản phẩm nem chua Tư Thuỷ được công nhận OCOP 3 sao trong năm nay. Theo ông Tư, trung bình mỗi ngày gia đình ông sản xuất nem từ 70-80 kg thịt lợn, ngựa. Sản phẩm ngoài bán trong tỉnh, cho khách du lịch còn được một số đại lý, đầu mối thu mua mang đi tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… “Đối với những sản phẩm là thực phẩm, người tiêu dùng thường rất chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, dán tem để khách hàng truy rõ được địa chỉ, cơ sở sản xuất. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp chúng tôi ngày càng gây dựng được uy tín, niềm tin từ khách hàng, do đó giúp cho thương hiệu ngày càng vươn xa, lượng tiêu thụ cũng tăng dần lên”, ông Trần Văn Tư nói.
Đồng hành cùng chủ thể
Mới đây, UBND huyện Lục Nam vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đợt 2 năm 2024. Theo đó, đợt này có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: Bánh Mật Thanh Lâm (HTX Bánh mật Thanh Lâm); long nhãn Lục Sơn (HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn); rượu Bảo Sơn – Nếp mộc tuyền (HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn); rượu Suối Mỡ (HTX Rượu Suối Mỡ). Chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 3 sao được UBND huyện cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì, được khen thưởng và hưởng các chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP theo quy định.
Sản phẩm nem chua Tư Thủy của hộ kinh doanh Trần Văn Tư, ở thôn Lầm, xã Trường Sơn được công nhận OCOP 3 sao trong năm nay. |
UBND huyện Lục Nam yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng hướng dẫn UBND các xã và các chủ thể thực hiện việc sử dụng và in biểu trưng của Chương trình OCOP, thứ hạng sao lên sản phẩm theo quy định. Cùng đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại. Các chủ thể có trách nhiệm duy trì chất lượng sản phẩm theo quy định, tiếp tục chuẩn hóa để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.
Đến nay, toàn huyện Lục Nam có 33 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 30 sản phẩm 3 sao, còn lại là 4 sao (trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo khô, rượu nếp cái hoa vàng Bảo Sơn). |
Như vậy, đến nay toàn huyện Lục Nam có 33 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 30 sản phẩm 3 sao, còn lại là 4 sao. Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, huyện Lục Nam đã tích cực hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý chất lượng, mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung – cầu, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến…
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đã gia tăng cả giá trị, quy mô sản xuất lẫn doanh thu cho chủ thể. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP của huyện để đưa vào hệ thống phân phối. Sản phẩm OCOP đều gắn với chỉ dẫn địa lý, có đầy đủ minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã bao bì, tem truy xuất, câu chuyện sản phẩm.
Một số sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như HACCP, VietGAP, từ đó nâng tầm vị thế của nông sản địa phương, điển hình phải kể đến các sản phẩm: Đông trùng hạ thảo khô (Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ), rượu nếp cái hoa vàng (HTX Nông nghiệp sạch Bảo Sơn), na dai Nghĩa Phương (HTX Na dai Nghĩa Phương), dưa lưới (HTX Nông sản an toàn Lục Nam), dưa chuột (HTX Dưa leo quê Lục Nam)… Các sản phẩm đạt OCOP đều có thương hiệu, trở thành quà tặng, được khách hàng nhiều nơi đón nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, chủ thể còn hạn chế về tư duy thị trường và chủ yếu vẫn ở dạng sản phẩm giản đơn, ít có sản phẩm chế biến sâu hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất. Nhiều chủ thể còn thói quen phát triển thụ động, chưa chủ động trong khâu phân phối, tiếp thị sản phẩm.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin về Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông để cán bộ, người dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế khi tham gia chương trình. Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và hướng tới xuất khẩu đối với mặt hàng có tiềm năng; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác.
Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm tiêu biểu địa phương; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể thực hiện liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường tìm kiếm đối tác. Chú trọng khâu kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thị xã Việt Yên: Chú trọng nâng chất lượng quy hoạch
Hình ảnh nồi cháo thứ 52 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Đoàn công tác HĐND tỉnh Bắc Giang làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia
Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Lục Nam: Đưa OCOP đến gần hơn người tiêu dùng
Bắc Giang: Thu ngân sách từ doanh nghiệp FDI vượt mục tiêu
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 5, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 4, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 3, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang