Tăng trưởng kinh tế (GRDP) liên tục dẫn đầu cả nước trong mấy năm qua đã giúp Bắc Giang có quy mô kinh tế ngày càng lớn, hiện đứng thứ 12/63 tỉnh, TP, tăng 4 bậc so với đầu nhiệm kỳ, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đến năm 2025.
Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao
Theo Cục Thống kê, quy mô GRDP năm 2024 của Bắc Giang ước đạt 207 nghìn tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp có đóng góp rất lớn. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 58,63%. Phân theo thành phần kinh tế thì khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong quy mô kinh tế của địa phương và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2020, quy mô của khu vực này chiếm 37,4%; năm 2021 chiếm 39,2%; năm 2022 chiếm 44,7%; năm 2023 chiếm 41,3%; năm 2024 chiếm tới 45,5%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng hạ tầng KCN Yên Lư. Ảnh: Dương Thủy. |
Nhắc đến khu vực FDI trên địa bàn tỉnh không thể không kể đến các “đại bàng” như: Tập đoàn Luxshare; Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) hay Hana Micron Vina; JA Solar.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, năm 2024, các doanh nghiệp (DN) thuộc các tập đoàn: Foxconn, Luxshare, Hana Micron Vina có mức tăng trưởng tốt, tuyển dụng thêm nhiều lao động, sản xuất các sản phẩm điện tử có chỉ số tăng hơn 50% so với năm trước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, quy mô kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, một số nhà máy, DN lớn mới đi vào hoạt động như: Dây chuyền giai đoạn 2 của Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung); Công ty TNHH Fulian Technology (KCN Quang Châu) đóng góp 3.600 tỷ đồng vào giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp trong những tháng cuối năm.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Tập đoàn Foxconn). |
Ông Chou I Wen, Tổng Giám đốc phụ trách Tổng bộ Foxconn Việt Nam cho biết: “Năm 2007, Tập đoàn Foxconn bắt đầu hoạt động tại tỉnh Bắc Giang. Đến nay, Tập đoàn đang triển khai 6 dự án lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Trải qua 17 năm đầu tư, chúng tôi có bước phát triển mạnh mẽ, doanh thu, vốn đầu tư, nhân lực không ngừng tăng. Đầu tư tại đây, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, lãnh đạo tỉnh”. Cũng theo ông Chou I Wen, trong quá trình đầu tư, DN gặp một số vướng mắc. Lãnh đạo tỉnh đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Điều này để lại ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp đối với các nhà đầu tư.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngoài những tập đoàn lớn, các DN FDI khác trong tỉnh cũng không ngừng đổi mới để phát triển. Công ty TNHH Celink Việt Nam, KCN Vân Trung là DN chuyên sản xuất, gia công lắp ráp linh kiện điện tử. DN đã có hướng đi để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng mới. DN đầu tư dây chuyền công nghệ tự động hóa ở một số công đoạn, tiết kiệm nhân lực, hạ giá thành sản phẩm. Cùng đó, tập trung quảng bá hình ảnh tại sảnh quốc tế thuộc Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ngay khi khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam sẽ thấy tên DN đang hoạt động tại Việt Nam. Đây là cách làm mới, góp phần lan tỏa thương hiệu DN với bạn hàng nước ngoài.
Nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Vân Trung. Ảnh: Việt Hưng. |
Ngoài ra, Công ty thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; tuyển dụng lao động với nhiều ưu đãi, tăng mức lương cơ bản, cải thiện điều kiện làm việc. Với những giải pháp đồng bộ, DN đã đón nhiều khách hàng truyền thống và khách hàng mới đến tham quan nhà máy. Đây là cơ hội lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện sản phẩm của DN đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu năm 2024 ước vượt kế hoạch khoảng 20%.
Do có sự phát triển ổn định, DN FDI có đóng góp quan trọng, giữ vai trò “đầu tàu” trong sản xuất công nghiệp. Thành quả có được là nhờ Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung cao đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH để phục vụ thu hút đầu tư; lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN…
Với tốc độ tăng trưởng hai con số như những năm qua, dự báo năm 2025, quy mô GRDP của tỉnh ước đạt 235.800 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2024. |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Bắc Giang tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà đầu tư. Các DN tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh, thể hiện qua số liệu năm 2024, các đơn vị đang sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang có số vốn đăng ký đầu tư mở rộng gấp đôi so với năm trước. Điều này thể hiện hướng đi đúng là tập trung chăm lo cho nhà đầu tư đang sản xuất tại tỉnh, từ đó xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự lan tỏa, thu hút thêm các DN khác qua sự giới thiệu của các DN đang hoạt động tại Bắc Giang.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số như những năm gần đây, dự báo đến năm 2025, quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 235.800 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt được kết quả này và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Bắc Giang tiếp tục xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, giữ vai trò dẫn dắt đối với nền kinh tế. Vì thế phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh và đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư hoạt động; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vào các KCN.
Tỉnh yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Yêu cầu rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, làm việc cầm chừng, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc. Nâng cao năng lực cho cán bộ để thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền.
Mới đây, Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo, yêu cầu thay thế, điều chuyển thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu nếu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, lần đầu tiên, UBND tỉnh ký kết Quy chế phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho DN. Đi đôi với biện pháp trên là đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường kết nối Bắc Giang với các tỉnh lân cận, cảng biển và sân bay. Đây là yếu tố quan trọng giúp tăng cường kết nối vùng và thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương
Triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027
Quy mô kinh tế Bắc Giang tăng 4 bậc: Công nghiệp khẳng định vị thế