Tròn 30 năm trước, sự sụp đổ của một phần của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX là một sự kiện đặc biệt gây chấn động toàn thế giới, làm thay đổi căn bản trật tự thế giới, là một tổn thất hết sức to lớn và nặng nề của những người cộng sản trong quá trình hiện thực hóa học thuyết Mác – Lêninvào con đường phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, con đường phát triển của đất nước từ Việt Nam và tiến lên phía trước và không gì cản được.
Một tấn bi kịch lớn nhất thế kỷ XX: Chủ nghĩa xã hội thất bại trên chính ngay quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sự sụp đổ của một phần hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã khiến giới chính trị tư sản và chủ nghĩa đế quốc tin chờ vào hiệu ứng “đô-mi-nô” về cái gọi là “sự sụp đổ định mệnh” toàn hệ thống của chủ nghĩa xã hội và ngóng đợi về thời khắc “vàng”: đó là “chiến thắng không cần chiến tranh” của thế giới tư sản (!).
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa xã hội thế giới ra sao?
Nhưng, 30 năm qua, lịch sử của chủ nghĩa xã hội lại đi những lối mà chính trật tự tư sản cũng không thể ngờ.
SỰ ĐỨT GÃY NGOÀI MONG MUỐN CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VỀ CHUỖI SỤP ĐỔ “ĐÔ-MI-NÔ” CỦA TOÀN BỘ HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Mùa thu năm 1991 là thời điểm “sai lầm của lịch sử” với đổ vỡ của Liên bang Xô-viết, một quốc gia thống nhất đã từng tồn tại, phát triển hùng mạnh trong suốt ba phần tư thế kỷ, nhưng đồng thời là thời khắc nhân loại chứng thực sự đứt gãy của “hiệu ứng đô-mi-nô triệt để” tưởng tượng nào đó, trái với mong muốn của chủ nghĩa tư bản về chuỗi sụp đổ tất yếu mang tính dây chuyền của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.
Vì sao như vậy? Có thể hình dung vấn đề này trên ba phương diện chủ yếu:
Thứ nhất, những gì trái với quy luật lịch sử, tất yếu sẽ bị lịch sử đào thải.
Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự phát triển tất yếu của nhân loại. Nhưng đi như thế nào?
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu cho thấy, đây là sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải sự sụp đổ của một lý tưởng trên nền móng hệ thống lý luận. Hơn nữa, mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là những mô hình đồng dạng phối cảnh, tới mức khó phân biệt bản sắc của các mô hình trong sự phát triển đa dạng của chủ nghĩa xã hội một cách tự nhiên. Vấn đề này hoàn toàn trái với sự chỉ dẫn của cả C. Mác và V. I. Lênin về tính thống nhất và đa dạng của chủ nghĩa xã hội. Nó vô hình chặt cụt mọi sự sáng tạo một cách độc lập trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa Mác-Lênin ở các quốc gia khác nhau. Đó là sự thất bại to lớn về phương pháp luận và nặng nề về tổ chức thực tiễn. Lịch sử càng về cuối thế kỷ XX càng nghiêm khắc cảnh cáo sự vi phạm chết người này.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân sai lầm dẫn đến sự sụp đổ ấy là do các Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu mắc phải sai lầm chủ quan để cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong nội bộ Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, dao động, hoài nghi về những giá trị của chủ nghĩa xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, hạ thấp và đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hơn nữa, tất cả điều đó đặt dưới “ngọn cờ” dân chủ vô hạn độ, công khai vô giới hạn thì tan vỡ là không tránh khỏi. Một thể chế không biết tự bảo vệ mình một cách hợp quy luật và kiên định, không trước ắt sau sẽ vào tan rã và sụp đổ thì điều đó không lấy gì làm lạ cả. Qua thực tiễn càng cho thấy, lực lượng bên ngoài là tác nhân kích thích quan trọng, nhưng lực lượng “ngầm” bên trong nội bộ Đảng, Nhà nước là “hạt nhân nòng cốt” cho sự “chuyển hóa”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm biến chất chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho Đảng Cộng sản bị phân hóa, rối loạn, tự mâu thuẫn, không thế kiểm soát được tình hình; không thể lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Các thế lực thù địch đã tìm mọi cách nhằm “gieo hạt giống thức tỉnh và hủy diệt chế độ Xô-viết” thông qua sách lược “mưa dầm thấm lâu”. Với chiêu bài “ngoại giao thân thiện”, các thế lực thù địch đẩy mạnh truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, luồn sâu, leo cao, từng bước can thiệp ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và quốc phòng, an ninh của Liên Xô. Sức mạnh quốc gia phải đặt trên sự đoàn kết một khối vững chắc thì lại bị “băm nhỏ” một cách “dân chủ” vô lối và thảm hại. Chủ nghĩa ly khai hoành hành nằm ngoài sự kiểm soát một cách nguy kịch. Điều tệ hại này thúc đẩy nhanh chóng quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, làm cho nội bộ 15 nước cộng hòa và hệ thống chuyên chính vô sản đã được thiết lập khá vững chắc từ thời V.I. Lênin, từng bước biến đổi về nhận thức, chuyển hóa về tư tưởng, gây mất niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào đất nước và lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, đã rơi vào hỗn loạn và tan rã.
Vì thế, tất cả hành động diễn ra một cách mù quáng và trái quy luật như thế cho nên sự sụp đổ và tan rã đồng loạt ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nhất định đều chung một con đường thất bại như nhau.
Thứ hai, nếu những ai khiến lịch sử trả giá thì họ phải trả giá cho lịch sử.
Cuộc chính biến tháng 8/1991 là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi lệch hướng công cuộc cải tổ và công khai hóa do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Goóc-ba-chốp khởi xướng từ tháng 3/1985.
Nhìn từ mọi góc độ, sự kiện gây chấn động lịch sử đó có rất nhiều cách lý giải. Nhưng tựu trung, đó vẫn là quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa, thẩm thấu từ bên trong và sự tấn công cấp tập, không khoan nhượng từ bên ngoài.
Có thể thấy, công cuộc cải tổ không những không chữa được những căn bệnh trầm kha của xã hội Xô-viết mà cuối cùng còn giúp thế lực hữu khuynh tận dụng triệt để trong việc kích động lực lượng phản kháng tác động đến phần lớn quần chúng đang mất dần niềm tin vào thể chế. Sự sụp đổ của Liên Xô không diễn ra ngay lập tức, mà đó là kết quả của một chương trình kinh tế và tư tưởng được lên kế hoạch kỹ càng. Câu khẩu hiệu “Cải tổ – Dân chủ – Công khai” đã thu hút sự quan tâm của giới trí thức, mà những người lúc đó không thể lý giải được ý nghĩa sâu xa của những từ trong câu khẩu hiệu này.
Hai năm sau khi lên nắm quyền và chỉnh đốn hàng ngũ đảng viên dưới quyền, M. Goóc-ba-chốp tuyên bố thay đổi toàn diện nhà nước Xô-viết và cho rằng “cải tổ là từ mang nhiều nghĩa và đầy hàm ý”, “cải tổ chính là một cuộc cách mạng”. Như vậy, Ban Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô xác định nhiệm vụ không phải là cải cách dần dần, mà là thay đổi thông qua việc hủy hoại và cắt đứt tính kế thừa. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Để thúc đẩy chương trình cải cách, M. Goóc-ba-chốp đi đầu phong trào sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, bao gồm việc thiết lập một vị trí tổng thống mới tập trung nhiều quyền lực hơn. Chính điều này đã hủy hoại uy tín của Đảng Cộng sản, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị chủ nghĩa xã hội, thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa ly khai tại các nước cộng hòa tự trị thuộc Liên bang Xô-viết, tạo điều kiện cho các phần tử bất đồng chính kiến, những kẻ cơ hội chính trị đủ mọi phe phái trỗi dậy, tập hợp thành các phong trào chống đối.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta mới nhận ra rằng, kẻ thù đã lợi dụng nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng trong Đảng Cộng sản và đã cài cắm vào xã hội một hệ thống tuyên truyền hoàn chỉnh cho các giá trị chủ nghĩa tự do, đẩy xã hội phát triển theo một vec-tơ khác chống chủ nghĩa xã hội. Điều này đặc biệt rõ trong giới trí thức khoa học xã hội, các đại diện của bộ phận này đã công khai vứt bỏ, đốt thẻ đảng, mà trước đây từng là ước mơ của họ, tuyên bố chủ nghĩa tư bản là “đỉnh cao của nền văn minh thế giới”, “thành trì của dân chủ, là miền đất hứa”(!). Điều đáng chú ý là, chính những người đã từng nỏ miệng tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản và “ăn theo”, thậm chí trở nên “vinh thân phì gia” nhờ đó phải bị trừng trị, giờ lại biến thành những kẻ đả kích, công phá mạnh nhất chủ nghĩa đó.
Mặt khác, các thế lực chống cộng phương Tây, nhất là Mỹ, luôn ấp ủ âm mưu chia rẽ các dân tộc trong Liên bang Xô-viết. Trong những năm tháng cải tổ, các nhà lãnh đạo Liên Xô lập lờ trước tình trạng mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc bùng lên dẫn đến phong trào ly khai đòi độc lập ở một số nước cộng hòa. Chính thái độ lập lờ đó đã đẩy nhanh sự sụp đổ của thể chế chính trị Xô-viết. Đối với Liên Xô, là điểm tận cùng trong hệ thống mà chiến dịch cải tổ đã đẩy tới tình trạng rệu rã, nếu chỉ cần một đòn nhẹ của “dân chủ”, “công khai”, nhưng thâm độc và được tính toán chính xác của kẻ thù, tấn công vào chỗ dễ tổn thương nhất thì cả hệ thống đó tan vỡ là điều tất yếu.
Có thể nói gọn rằng, sự tấn công của các thế lực thù địch luôn có tác động công phá làm chuyển hóa từ bên trong và khi bên trong suy yếu, bạc nhược và hủ mục, lại lơ là, mất cảnh giác… thì đổ vỡ và thất bại nhất loạt của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là điều không tránh khỏi.
Thứ ba, lịch sử cảnh giới và sự cảnh giới của lịch sử.
Có những điều mà cho tới tận bây giờ, ngay cả giới chính trị gia tư sản các nước vẫn không thể hiểu được, vì sao hiệu ứng “đô-mi-nô” về sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa đã không diễn ra như họ mong đợi. Và, vì sao hiệu ứng đó bị đứt gãy và dừng lại ở châu Âu?
Đất nước Xô-viết sụp đổ và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã để lại muôn vàn hậu quả cho chính đất nước họ, cho các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đối với lịch sử của chủ nghĩa xã hội, trong nhiều hậu quả, có rất nhiều hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng và hết sức nặng nề.
Lịch sử của chủ nghĩa xã hội lên tiếng cảnh giới: Không thể tiếp tục đi con đường xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô và các nước Đông Âu!
Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn thâm độc, phương cách tinh vi nhằm thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Các thế lực thù địch mặc sức hoành hành. Cùng với các lực lượng “ngầm” chống phá, chúng từng bước can thiệp sâu, gây mâu thuẫn trong nội bộ để làm tha hóa, biến chất chế độ cộng sản; đồng thời, cổ xúy và tiếp sức cho các phe phái đối lập nổi lên chống phá cách mạng, tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Không nghi ngờ gì, chiến lược “diễn biến hòa bình” đã góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Trái lại, trong khi đó, một số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới như Trung Quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vững và phát triển. Cái gọi là hiệu ứng “đô-mi-nô” về sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa bị đứt gãy ở chính chỗ này!
Và, ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, một loạt nước tự giải phóng khỏi xích xiềng của hệ thống thuộc địa và đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1945, sau khi giành độc lập, Việt Nam vừa kháng chiến, vừa kiến quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau này, năm 1949, cách mạng Trung Quốc và năm 1959, cách mạng Cuba giành được thắng lợi và đều đi tới chủ nghĩa xã hội… Điều này càng làm nổi bật tính đa dạng về phương pháp của giai cấp vô sản ở các nước trong việc tuân theo những quy luật phổ biến của chủ nghĩa xã hội; đồng thời khéo áp dụng chúng, cân nhắc các đặc điểm vốn có của nước mình và tương ứng với điều đó là biết xác định những hình thức và phương pháp cụ thể thực hiện chủ nghĩa xã hội. Cùng thời gian, chúng ta đã chứng kiến các dạng quá độ lên chủ nghĩa xã hội thể hiện dưới các “mô hình”, với những “đặc sắc” khác nhau, tiềm tàng sức sống và người ta ngày càng thừa nhận điều đó bằng các minh chứng: Chủ nghĩa xã hội “đặc sắc Trung Quốc”, chủ nghĩa xã hội có “bản sắc Việt Nam”. Đó chính là hiện thân của tính thống nhất và tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội; và đó cũng chính là nguồn gốc và sức sống của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hiện nay.
Với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, học thuyết Mác – Lênin vẫn không ngừng đổi mới và phát triển; còn với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn, chủ nghĩa Mác-Lênin đòi hỏi những người cộng sản phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công.
Vì thế, qua sự đổ vỡ nhưng không theo “hiệu ứng đô-mi-nô”, lịch sử của chủ nghĩa xã hội càng xác tín rằng, nếu sự thất bại của chủ nghĩa xã hội là con đường chung của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thì sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội phải, luôn và càng là con đường riêng của mỗi nước đi lên chủ nghĩa trên cơ sở sự phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênintrên địa bàn của mỗi nước.
Đó chính là hiện thân của sự đòi hỏi về trung thành, độc lập và sáng tạo xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin, ở mỗi nước, trong thời đại ngày nay.
Và, vì thế, không thể có “hiệu ứng đô-mi-nô” nào về sự sụp đổ tất yếu mang toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa, như sự mong đợi đầy ảo mộng của chủ nghĩa tư bản.
LIÊN XÔ SỤP ĐỔ VÀ SỰ TRỪNG PHẠT CỦA LỊCH SỬ
Thật trớ trêu, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không thông qua một cuộc chiến tranh nào. Chính các Đảng Cộng sản cầm quyền, trước hết và chủ yếu là Đảng Cộng sản Liên Xô, lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh sụp đổ và tan rã. Và cũng thật trớ trêu, những thủ đoạn mỵ dân, “công khai hóa” của giới lãnh đạo Liên Xô, bằng cuộc bỏ phiếu ngày 17/3/1991, đã “đánh lừa” 76% số người dân Liên Xô hăm hở bày tỏ sự ủng hộ việc duy trì Liên bang, mà không hề biết rằng, họ đang bỏ phiếu ủng hộ cho Liên Xô sụp đổ!
Nhìn sâu hơn, quá trình hủy hoại này diễn ra không giống một cuộc xung đột giai cấp, mà là sự thay đổi âm thầm trong nhận thức và tư tưởng của xã hội. Đặc biệt, vào thời gian cuối, sự sụp đổ của Liên Xô diễn ra hết tốc lực, trong khi giai đoạn đầu “cải tổ” là một cuộc “cách mạng về nhận thức” được che đậy bằng một thuật ngữ rất mỹ miều là “công khai hóa”. “Công khai hóa” đã dần dần phá hủy toàn bộ nguyên tắc và nền tảng vốn đã hình thành từ trước đó rất lâu.
Có thể hình dung tình hình Liên Xô lúc bấy giờ trên bốn phương diện chính yếu:
Một là, do đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí; cùng với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống của nhân dân không được cải thiện, sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong xã hội.
Gần 20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có nhiều người viết về nguyên nhân vì sao Liên Xô sụp đổ một cách có hệ thống, nhiều công trình nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, sự sụp đổ của Liên Xô có nguyên nhân sâu xa là do những sai lầm, khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết, một chế độ xã hội đã đạt những thành tựu vĩ đại, đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại, góp phần quyết định cứu loài người khỏi thảm họa phát-xít, nhưng đã trở nên trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Cuộc cải tổ sai lầm ở Liên Xô do M. Goóc-ba-chốp đề xướng là nhân tố trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước Liên Xô.
Những nhận định đó hoàn toàn xác đáng.
Vào đầu thời kỳ cải tổ, việc đầu tiên mà M. Goóc-ba-chốp và ê-kíp của ông ta làm là đẩy hệ thống điều hành vào trạng thái bất ổn định. Rối loạn hệ thống sẽ có những hậu quả khôn lường. Điều đó dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Trong khi đó, mục tiêu của chiến tranh kinh tế – tài chính của Mỹ chống Liên Xô lúc đó là khai thác được càng nhiều tài nguyên càng tốt, làm tê liệt chức năng điều hành nền tài chính quốc gia, ngăn cản Liên Xô tiếp cận khoa học công nghệ, phục vụ cho một “chiến lược gây căng thẳng”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt biện pháp, chiến dịch đã được tiến hành nhằm vào những hướng phát triển kinh tế then chốt ở Liên Xô. Trong khi nền kinh tế Liên Xô vốn đã có nhiều vấn đề về phát triển, thì sự tác động vào nền kinh tế, phương thức phá hoại có chủ ý trong lĩnh vực tài chính, khiến kinh tế Liên Xô bị phá vỡ có tính hệ thống và lâm vào nguy ngập hoàn toàn.
Sự chao đảo, sai lầm về đường lối chính trị trong thực hiện dân chủ hóa đến công khai, dư luận đa nguyên hóa, buông lỏng xây dựng lực lượng vũ trang, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản,… là nguyên nhân từng bước làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh quân sự của Liên Xô. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không thể bảo vệ nổi chính mình.
Hai là, khi tiến hành cải tổ, phạm phải sai lầm trên nhiều mặt làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng, cộng thêm với sự chia rẽ, đầu hàng, phản bội của những kẻ cơ hội chính trị trong giới chóp bu chính trị đã dẫn tới sự tan vỡ không tránh được.
Công cuộc cải tổ làm xã hội bất ổn. Nhằm thích ứng với cải tổ hơn nữa, M. Goóc-ba-chốp tiếp tục phạm sai lầm nguy hiểm khi tung ra cái gọi là “tư duy chính trị mới” thực chất là xóa nhoà ý thức hệ tư tưởng, tạo ra “diễn biến hoà bình” ngay trong lòng xã hội Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô.
Các nhân tố của “tư duy chính trị mới” đã trở thành nền tảng để cải tổ chính sách quân sự và đối ngoại. Những quan điểm sai lầm đó được phương Tây chào đón nhiệt thành. Có thể thấy rõ, trong “tư duy chính trị mới” này, bao hàm những nguồn gốc phá hoại nền quốc phòng và nền an ninh, đối ngoại của Nhà nước Xô- viết, phá hoại về chính trị và tư tưởng.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô đều đã từng nhận những chỉ dẫn của Mỹ và cùng với M. Goóc-ba-chốp thực hiện thành công đường lối phản bội nhân danh cải tổ để tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Tháng 2/1992, phát biểu tại Nghị viện I-xra-en, M. Goóc-ba-chốp tuyên bố: Tất cả những gì tôi làm với Liên Xô, tôi đã làm(1). Năm 1999, tại Trường Đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Goóc-ba-chốp tự thú nhận: Mục tiêu của toàn bộ đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản(2).
Ba là, vấn đề đặc biệt là sai lầm khi thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nói cách khác, sự phản bội lớn nhất của M. Goóc-ba-chốp là thủ tiêu vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội, cổ vũ hình thành các tổ chức chính trị đối lập, thực hiện đa nguyên, đa đảng.
Bất kỳ một âm mưu nào nhằm vào Đảng thì nhất định sẽ ảnh hưởng xấu đến vận mệnh quốc gia. Việc xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô được hợp pháp hoá bằng sự xoá bỏ Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô, cũng đồng nghĩa với việc gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi nền tảng chính trị quốc gia, để sau đó không lâu, chính ngôi nhà Xô-viết sụp đổ.
Cái gọi là cải tổ kinh tế ngay từ đầu đã thất bại, tiêu cực xã hội ngày càng tăng cao, được lý giải như là một thứ “học phí” của quá trình cải tổ. Nhân cơ hội này, họ làm phức tạp hóa tình hình và tiếp tục sai lầm, đẩy mạnh cải cách chính trị với sự thổi phồng khẩu hiệu công khai hóa, dân chủ hóa. Người ta chứng thực rằng, chỉ cần thêm bớt vào điều đó một chút xuyên tạc thô bạo lịch sử đất nước với sự phản bội theo quy mô to lớn ít thấy trong lịch sử thì rõ ràng tất cả những điều đó mang lại sự xáo trộn khủng khiếp về tư tưởng. Trong nhiều trường hợp, nó còn là sự xuyên tạc lịch sử của đất nước và Đảng.
Mặt khác, do không vượt lên được so với các đối thủ phương Tây trong chiến tranh lạnh về hiệu suất cũng như thành quả lao động, không kiên quyết đấu tranh bài trừ những căn bệnh vốn bắt rễ và âm thầm lây lan trong giới cầm quyền như nạn tham nhũng, bè phái, hưởng nhiều đặc lợi vượt giới hạn, sùng bái chủ nghĩa hình thức, xa rời hay diễn giải sai lệch theo kiểu xu thời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lại không có phương án nào khả dĩ để đối phó với trào lưu dân tộc chủ nghĩa đang sinh sôi, nảy nở và biến tướng từng ngày… nên vai trò của Nhà nước Xô-viết ngày càng suy giảm tiềm lực và vị trí của mình trong nước và trên trường quốc tế.
Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn, nằm ngoài vòng kiểm soát.
Chính vì chương trình phá hoại từng bước về chính trị mà kinh tế Liên Xô gặp phải khủng hoảng nặng nề nhất. Để lật đổ Liên Xô, các thế lực thù địch ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là cần phải lũng đoạn được cơ quan đầu não, đó là Đảng Cộng sản Liên Xô. Và một loạt chiến dịch, từ kinh tế, chính trị, thông tin, tuyên truyền đã được lên kịch bản và thực hiện ráo riết.
Có một điều cần nhắc lại: Vì sao quá trình sụp đổ của Liên Xô lại diễn ra vào những năm 1985 – 1991?
Theo giới nghiên cứu, vào thời điểm này, phương Tây đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đối với Mỹ, các nhà nghiên cứu của chính nước Mỹ khẳng định, cuộc chạy đua vũ trang đã trở thành “trò ngu xuẩn” đối với chính Mỹ và không thể giành được chiến thắng trước Liên Xô. Theo dự đoán của họ, nếu đến giữa năm 1990 không xảy ra những thay đổi căn bản thì nước Mỹ sẽ có một sự bùng nổ lớn về chính trị và xã hội. Lối thoát duy nhất đối với giới cầm quyền Mỹ là “phá tan Liên Xô từ bên trong”.
Nắm bắt tình thế có một không hai đó, phương Tây tác động mạnh vào chiến dịch cải tổ sai lầm của Liên Xô, thông qua các chiến dịch tài trợ cho các trung tâm chống phá Liên Xô. Chính một nhà khoa học Mỹ, ngày 12/5/1994, viết rằng, từ năm 1985 đến năm 1992, Mỹ chi tới 90 tỷ USD cho việc thúc đẩy “’tiến trình dân chủ hóa” ở Liên Xô(3). Chỉ riêng chi cho công việc tình báo phá hoại Liên Xô, giới tư bản độc quyền Mỹ và giới lãnh đạo của các nước tư bản khác thừa nhận tiêu tốn tới 5 nghìn tỷ USD cho việc thúc đẩy những hoạt động gạt bỏ, chế ngự, lật đổ và tiêu diệt “huyền thoại” Liên Xô đang đe dọa họ.
Cùng với chiến tranh tâm lý, các thế lực thù địch với Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến về tổ chức. Nhiều nhân vật then chốt trong Ban lãnh đạo Liên Xô trước đây đã từng học ở nước ngoài, nay đã tha hoá biến chất và được cài sâu vào những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Những năm 1988 – 1989, họ “tuồn” một lượng đáng kể “các nhà dân chủ” tham gia chính quyền, có thể can thiệp vào cơ cấu điều hành; và đây là một thành công của phương Tây trong âm mưu làm sụp đổ Liên Xô. Nhóm này đã “kết thành tổ kén” phục kích rất sâu và rất cao trong Đảng Cộng sản Liên Xô và là chỗ dựa cho lực lượng phản cách mạng.
Toàn bộ công cuộc “cải tổ” diễn ra trước đó đã trở thành khúc dạo đầu cho những gì được hoàn thành vào tháng 8-1991. Và, khi Đảng Cộng sản Liên Xô giải thể, sẽ kéo theo Liên Xô sụp đổ vô phương cứu chữa.
Sự thất bại luôn có thể xảy ra, thậm chí ngay ở đỉnh cao của sự thành công, thậm chí cả sự chói lọi của vòng nguyệt quế, nếu mất cảnh giác và không biết tự bảo vệ mình!
SỨC SỐNG CỦA NHỮNG BÀI HỌC THẤT BẠI TỪ ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa xã hội; trái lại, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội thời kỳ mới là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù vây, có thể nói, chừng nào còn các Đảng Cộng sản với mục tiêu xã hội chủ nghĩa trên thế giới thì những bài học kinh nghiệm lịch sử xương máu của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự tan rã của Liên bang Xô-viết và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu mãi mãi còn nguyên vẹn. Đó chính là sức sống bất diệt của những bài học lịch sử thất bại: Nếu coi thường hoặc lãng quên chúng, nhất là những thất bại, dù khi đang đứng trên đỉnh cao những thắng lợi lịch sử của những người cộng sản Xô-viết, thì cũng sẽ bị trả giá.
Với nhãn quan chính trị chiến lược, hai năm trước khi chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, ngày 24/8/1989, tại Hội nghị Trung ương 7, khóa VI, Đảng ta nhìn nhận và cảnh báo nghiêm khắc 6 nguy cơ của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản và công nhân ở những nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, gồm: Một là, thực hiện đa nguyên chính trị; hai là, dân chủ quá trớn không giới hạn; ba là, vừa không coi trọng củng cố, nâng cao chất lượng lãnh đạo, vừa hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng; bốn là, để tuột khỏi tay sự lãnh đạo đối với các phương tiện thông tin đại chúng; năm là, có khuynh hướng phủ nhận những thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa xã hội; sáu là, đặt quá nhiều hy vọng vào việc mở cửa với phương Tây.
Với tầm nhìn chiến lược đó, cảnh giới những nguy cơ “diễn biến hòa bình”, vượt qua chặng đường hơn ba thập niên với bao nhiêu bão táp chống phá, tấn công từ bên ngoài, nguy cơ tự thoái hóa, suy thoái và phá hoại từ bên trong, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đứng vững và phát triển. Nhưng, chúng ta không được phép lơ là và lãng quên mối họa sinh tử này. Vì chủ nghĩa đế quốc với chiến lược công khai “chiến thắng không cần chiến tranh” không bao giờ từ bỏ âm mưu và hành động tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.
Với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng của chúng ta càng không mơ hồ và được phép lãng quên những bài học sinh tử đó về sự sụp đổ của chế độ xã hội ở Liên Xô và một số nước Đông Âu.
Bài học trước hết, là cần đặc biệt chăm lo vị thế và tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc: nắm lấy công tác tư tưởng chính trị, xây dựng hệ thống chính trị từ Đảng, Nhà nước đến các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự trung thành và tin cậy về chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng… là công việc có ý nghĩa thành bại.
Lịch sử hơn 91 năm của Đảng cho tới nay cho thấy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác chính trị tư tưởng và tổ chức luôn là những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng và mang tầm chiến lược. Sai lầm về đường lối, chệch hướng về tư tưởng chính trị và lệch lạc về tổ chức sẽ đưa tới sai lầm, rạn vỡ, có khi không cứu vãn nổi.
Đại hội XIII của Đảng
Đặc biệt, trước tình hình mới, phải luôn đề cao cảnh giác trước những tác động xấu từ bên ngoài và kịp thời ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong. Tháng 1-2021, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời… một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu… một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, quyết sách của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu và tình cảm đồng chí, đồng bào; thậm chí phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc, tình trạng “cát cứ”, “sứ quân”… chủ nghĩa cơ hội, phản bội…
Đặc biệt hiện nay, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên phương diện này là vô cùng chuẩn xác và mang tầm chiến lược.
Tiếp tục đổi mới cơ chế vận hành tập trung dân chủ của toàn bộ hệ thống chính trị, lấy Quốc pháp làm đầu, Đảng cương làm cốt, sự tín nhiệm của Nhân dân làm động lực và sự cương tỏa kiểm soát. Nắm chắc công tác tổ chức, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, người đứng đầu hệ thống chính trị các cấp bảo đảm: trung thành, bản lĩnh, trí tuệ, trong sạch, liêm sỉ, vì Dân và kỷ luật. Bảo vệ nghiêm nhặt chính trị nội bộ. Ngăn chặn và thải loại kiên quyết những người tiêu cực, phe nhóm, tham nhũng; trừng phạt nghiêm khắc những người xâm hại sự đoàn kết thống nhất của Đảng, tha hóa, thoái hóa về chính trị, nhất là tệ ăn cắp quyền lực, tức tệ “đạo vị”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh; thải loại và trừng trị những kẻ mưu đồ lợi ích nhóm, rắp mưu bè phái, cát cứ trong Đảng, trừng trị sự bất tuân kỷ luật, đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật và ngoảnh mặt với Nhân dân.
Hơn lúc nào hết, lúc này, cần ghi xương khắc cốt rằng, nếu sự thoái hóa, biến chất, tự chuyển hóa diễn ra tại trung tâm quyền lực của Đảng, của hệ thống chính trị thì nguy cơ tan vỡ đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ tính bằng tháng, bằng năm. Đây là đêm trước của sự tan rã, sụp đổ không tránh khỏi. Đảng Cộng sản Liên Xô và các “phiên bản” Đông Âu đã cảnh báo nghiêm khắc rõ điều này.
Bài học thứ hai, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động” cầm quyền mọi quyền lực, mọi nguồn lực của đất nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân, phải chăm lo cơ sở chính trị – xã hội của mình: Dân là gốc nước, thuận theo lòng dân, được Nhân dân ủng hộ…
Kinh nghiệm lịch sử từ sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và đổ vỡ của Liên bang Xô-viết càng cho thấy rõ, việc thâu tóm được mọi quyền lực và mọi nguồn lực quốc gia không khó bằng nắm được và thuận theo lòng dân. Những ai không nắm được lòng dân, không hành động theo quy luật nhất định thất bại, ngay khi đang nắm quyền lực.
Với tư cách là “đứa con nòi” của nhân dân lao động, hơn lúc nào hết, Đảng ta luôn thấu hiểu và hành động theo phương châm: “Ý Dân là ý trời”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn và “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân”, như tiền nhân truyền lại. Vì, “Dân là Dân nước, nước là Nước dân”. Đó cơ sở là pháp lý và cũng là đạo lý phải quán xuyến toàn bộ công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Lòng Dân là Quốc bảo Việt Nam.
Trái điều đó, nhất định sẽ thất bại.
Bài học thứ ba, từ bài học xương máu qua thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô, từ sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, phải chủ động vượt qua chính mình, nắm chắc pháp luật để cầm quyền, vì lợi ích tối cao của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân và vì sự trường tồn của dân tộc.
Thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta chứng thực rằng, sai lầm và khuyết điểm rất khó tránh, nhưng điều nguy hiểm nhất là không dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là không có quyết tâm chính trị để tránh sai lầm, khắc phục khuyết điểm. Do đó, hơn bao giờ hết, giữ vững vô điều kiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn bộ đời sống và hoạt động của Đảng; đồng thời kiên quyết nắm chắc pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền. Pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, cương lĩnh của Đảng là hai nhân tố rường cột cầm quyền. Thiếu dân chủ và dân chủ biến tương là “bà đỡ” của thói nịnh bợ, luồn lọt, dân túy, cơ hội; buông lỏng kỷ cương là điều kiện tốt cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa đầu hàng nảy nòi và phát tác trong Đảng, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo cấp cao. Đó là điều cấm kỵ trong toàn bộ công tác tổ chức và cán bộ.
Đồng thời, quét sạch tận gốc các chứng bệnh: độc đoán, chuyên quyền, tệ trù dập, trấn áp những ý kiến khác với mình; thói coi thường tập thể, coi thường cấp dưới, nạn độc quyền chân lý; trân trọng đối thoại và nâng niu mọi sự phản biện trong khuôn khổ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo vệ vô điều kiện sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống mọi sự đặc quyền đặc lợi, trước hết trong đội ngũ người đứng đầu các cấp của hệ thống chính trị; đổi mới cơ chế giám sát quyền lực của Nhân dân một cách đồng bộ, thống nhất và thực tế bằng pháp luật.
Quốc pháp, Đảng cương và lòng Dân là những nhân tố căn bản bảo đảm, kiểm soát và quyết định khuôn khổ toàn bộ hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị.
Toàn bộ hoạt động của Đảng tiếp tục vì lợi ích tối thượng của đất nước, quyền lợi vô giá của dân tộc và hạnh phúc thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Nhân dân. Đó là cương lĩnh chính trị đồng thời là cương lĩnh hành động của Đảng lúc này và trong tương lai.
Theo tuyengiao.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương
Triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027
Quy mô kinh tế Bắc Giang tăng 4 bậc: Công nghiệp khẳng định vị thế
Bắc Giang nâng tầm đô thị, mở hướng tương lai
Bắc Giang: Bầu đồng chí Nguyễn Thị Hương giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Việt Oanh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh