Kịch bản và giải pháp cho ngành nông nghiệp trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

Thứ Hai, 21 Tháng Tư, 2025 34 lượt xem Chia sẻ bài viết:
Với kịch bản chính sách thuế quan của Hoa Kỳ áp mức thuế 10% duy trì ổn định trong cả năm 2025 và áp dụng đồng đều cho tất cả các quốc gia, tác động đến xuất khẩu của Việt Nam là không đáng kể và mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn có thể đảm bảo thực hiện.

Dưới tác động ngày càng rõ nét của chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường ) đã đưa ra ba kịch bản dự báo cho ngành nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2025. Mỗi kịch bản đều gắn liền với những mức thuế cụ thể mà Hoa Kỳ có thể áp dụng, từ đó phản ánh tác động tương ứng đến kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng ngành. Đồng thời, Viện cũng kiến nghị một loạt giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và khả năng thích ứng của toàn ngành trong bối cảnh mới.

Kịch bản đầu tiên được xem là tích cực nhất, trong đó mức thuế 10% được Hoa Kỳ duy trì ổn định trong cả năm 2025 và áp dụng đồng đều cho tất cả các quốc gia. Trong tình huống này, tác động đến xuất khẩu của Việt Nam là không đáng kể và mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn có thể đảm bảo thực hiện.

Kịch bản và giải pháp cho ngành nông nghiệp trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ
Kịch bản và giải pháp cho ngành nông nghiệp trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

Kịch bản thứ hai đặt ra giả định sau thời gian tạm hoãn áp thuế, hai bên đạt được thỏa thuận với mức thuế mới là 20%. Theo đánh giá chuyên gia, nếu điều này xảy ra, xuất khẩu trong sáu tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 20%, kéo theo tăng trưởng toàn ngành có thể giảm từ 0,15 đến 2 điểm phần trăm, chỉ còn đạt từ 3,8% đến 3,85% trong năm 2025.

Kịch bản thứ ba, cũng là kịch bản tiêu cực nhất, giả định Hoa Kỳ quyết định duy trì mức thuế cao tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp này, xuất khẩu có thể giảm sâu đến 40% trong nửa cuối năm, khiến tăng trưởng toàn ngành có thể sụt giảm 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm, chỉ còn khoảng 3,6% đến 3,8%.

Trước ba kịch bản nêu trên, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đối thoại song phương với Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy giảm thuế hoặc tìm kiếm cơ chế miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược. Bên cạnh đó, việc đảm bảo minh bạch và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng cần được thực hiện nghiêm túc để tránh những rủi ro liên quan đến điều tra chống gian lận thương mại.

Cùng với các giải pháp ngoại giao, Viện cũng kiến nghị thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, với nguyên tắc “ngắn hạn nhưng phải đủ mạnh”. Cụ thể, có thể áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đầu vào, giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Đồng thời, cần triển khai các gói hỗ trợ lãi suất tín dụng dành cho các doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại từ các biện pháp thuế mới.

Về dài hạn, giải pháp cốt lõi được xác định là nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Để thực hiện được điều này, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc này không chỉ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh mà còn đảm bảo sản phẩm Việt Nam đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường Hoa Kỳ.

Một chiến lược quan trọng khác là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN, Hoa Kỳ và EU, Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng trong nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ…), thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, cũng như các quốc gia tiêu thụ thực phẩm Halal.

Thực hiện theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt trên 8%, ngành nông lâm thủy sản được giao chỉ tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng từ 4% đến 4,2% trong năm 2025. Trong đó, nông nghiệp đặt mục tiêu tăng 3,85%, lâm nghiệp 5,47%, và thủy sản 4,35%. Riêng quý I/2025, toàn ngành đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 3,74% – cao nhất trong vòng bốn năm – và đóng góp 6,09% vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Thành quả này có được nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng cây lâu năm tăng khá, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, trồng rừng mới được đẩy mạnh và sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh. Trong lĩnh vực thủy sản, việc mở rộng mô hình nuôi siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao đã giúp sản lượng tiếp tục tăng trưởng.

Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một số mặt hàng chủ lực như gạo và rau quả ghi nhận mức sụt giảm kim ngạch đáng kể – gạo giảm 19,7% do giá xuất khẩu bình quân giảm 20,1%, rau quả giảm 11,3% do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 38,9%. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục leo thang, với chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,93% so với cùng kỳ, gây áp lực lên chi phí và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập