IMF: Thuế quan có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục

Thứ Năm, 24 Tháng Tư, 2025 14 lượt xem Chia sẻ bài viết:
IMF cảnh báo thuế quan đối ứng của Mỹ có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục 117% GDP vào năm 2027 – mức cao nhất kể từ Thế chiến II, nếu các nước không siết chặt kỷ luật tài khóa.
IMF: Thuế quan có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục
IMF: Thuế quan có thể đẩy nợ công toàn cầu lên mức kỷ lục.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phát đi cảnh báo rằng các chính sách thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến nợ công toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II, khi bất ổn thương mại và địa chính trị tiếp tục leo thang.

Ông Vítor Gaspar, Giám đốc bộ phận chính sách tài khóa của IMF, cho biết trong kịch bản xấu nhất hiện tại, nợ công toàn cầu có thể tăng từ 92,3% GDP toàn cầu lên 117% vào năm 2027 – vượt qua ngưỡng nợ thời khủng hoảng tài chính toàn cầu, và gần sát mức đỉnh lịch sử 150% của năm 1946.

“Các yếu tố bất định đã gia tăng rõ rệt trong năm 2025. Bối cảnh địa kinh tế bất ổn, điều kiện tài chính bị thắt chặt, và áp lực chi tiêu công ngày càng lớn”, ông Gaspar chia sẻ với Financial Times.

Nợ công toàn cầu vượt 100.000 tỷ USD và còn tăng

IMF cho biết nợ công toàn cầu đã vượt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2024, trong khi rủi ro tiếp tục gia tăng khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Ý và Anh đều có khả năng chứng kiến tỷ lệ nợ/GDP tăng trong năm 2025.

Mặc dù các dự báo cơ sở hiện tại vẫn giữ mức 100% GDP vào cuối thập kỷ, tương tự với báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng IMF nhấn mạnh rằng “rủi ro về mức nợ cao hơn đang ngày càng gia tăng”.

Ông Vítor Gaspar kêu gọi các chính phủ trên thế giới cần “thắt chặt kỷ luật tài khóa” để củng cố nền tài chính quốc gia, trong bối cảnh môi trường toàn cầu biến động mạnh, và chưa thể đoán định tác động cuối cùng từ các chính sách thuế quan của Mỹ.

Phần lớn thuế quan do ông Donald Trump công bố ngày 2/4 đã được tạm hoãn 90 ngày để đàm phán song phương, trừ Trung Quốc – quốc gia vẫn đang bị áp thuế lên tới 145%. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng thuế 125% lên hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm thứ Ba (22/4) khẳng định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là “không thể duy trì”, giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại. Sau đó, Tổng thống Donald Trump cũng phát đi tín hiệu sẽ “giảm mạnh” thuế quan với Trung Quốc, thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường.

Dù cảnh báo chung là tiêu cực, IMF vẫn đánh giá cao một số nỗ lực cải cách tại châu Âu. Cụ thể, IMF hoan nghênh kế hoạch nới lỏng quy tắc nợ công (debt brake) của chính phủ Đức, cho phép đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các ưu tiên quốc gia.

Ngoài ra, ông Gaspar cũng khen ngợi chính quyền Pháp vì những diễn biến “rất hứa hẹn” trong việc thông qua ngân sách của họ. “Đây là một động thái đúng hướng. Rõ ràng từ những diễn biến trên thị trường rằng việc phê duyệt ngân sách đã làm giảm sự không chắc chắn”, ông cho biết.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập