Nghị quyết số 68-NQ/TW: Sẽ có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ Hai, 5 Tháng Năm, 2025 13 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ về cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt ra nhiệm vụ về cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

Nguồn lực cho các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dự kiến sẽ được bố trí đủ từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, kết hợp huy động nguồn lực từ các quỹ đầu tư của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, viện nghiên cứu, trường đại học… Qua đó tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nhân trong tham gia góp ý, phản biện chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, minh bạch.

Cùng đó, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng hoá các kênh phân phối, phát triển mạnh các nền tảng số, thương mại điện tử; triển khai thực chất, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nâng cấp, đổi mới chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Khuyến khích phát triển các tập đoàn bán lẻ tư nhân; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công phù hợp với thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực thực thi, tận dụng các cam kết quốc tế và có cơ chế hỗ trợ hiệu quả giải quyết tranh chấp quốc tế cho khu vực kinh tế tư nhân…

Cập nhật và chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, số liệu thống kê, cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân để phục vụ cho công tác đánh giá, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp cho từng giai đoạn. Có cơ chế phù hợp chia sẻ hệ thống dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách.

Nghị quyết số 68-NQ/TW: Sẽ có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị quyết số 68-NQ/TW: Sẽ có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản ảo

Một trong những giải pháp đột phá được Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân chính là yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Theo đó, mục tiêu trọng tâm là chuyển đổi từ mô hình hành chính công vụ, thiên về quản lý, sang nền hành chính phục vụ và kiến tạo phát triển. Trong mô hình này, người dân và doanh nghiệp được xác định là trung tâm, là đối tượng phục vụ chứ không đơn thuần là đối tượng quản lý.

Định hướng cải cách được thể hiện rõ nét trong việc hiện đại hoá quản trị công, thúc đẩy quản trị dựa trên dữ liệu, tăng cường công khai, minh bạch và giảm thiểu can thiệp hành chính không cần thiết. Thay vì kiểm soát trước như trước đây, chính sách mới hướng đến chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với cơ chế giám sát hiệu quả và có trách nhiệm. Cách tiếp cận này thể hiện ở việc chuyển đổi phương thức quản lý điều kiện kinh doanh: thay vì cấp phép hay chứng nhận bắt buộc như thông lệ cũ, sẽ tiến hành công bố công khai điều kiện và thực hiện hậu kiểm – trừ những lĩnh vực đặc thù mà quốc tế yêu cầu cấp phép.

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc hoàn thiện và sửa đổi Luật Phá sản theo hướng rút ngắn thời gian xử lý thủ tục pháp lý, mở rộng áp dụng quy trình phá sản rút gọn, kết hợp với cải cách cơ chế xử lý tài sản doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại có thể rút lui trật tự khỏi thị trường mà còn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, làm lành mạnh môi trường đầu tư.

Cùng với đó là việc áp dụng các quy trình tố tụng trên nền tảng điện tử, thiết lập hệ thống phản hồi và đánh giá thực tiễn về các rào cản trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Mục tiêu không chỉ là lắng nghe mà còn nhanh chóng phản ứng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Bộ Chính trị cũng chỉ rõ yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa các cấp, các ngành và giữa trung ương với địa phương – một rào cản cố hữu đang làm suy giảm hiệu quả của chủ trương cải cách.

Nguyên tắc xuyên suốt là đảm bảo thực thi đúng đắn cơ chế thị trường, trong đó mọi doanh nghiệp – bất kể thành phần kinh tế nào – đều được đối xử công bằng trong tiếp cận và sử dụng các nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, nhân lực, công nghệ và dữ liệu. Nghị quyết cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm gánh nặng chi phí, mở rộng cơ sở tính thuế, đặc biệt là tăng cường thu thuế điện tử gắn với máy tính tiền, tạo sân chơi minh bạch, công bằng. Đồng thời, nghiêm cấm các biểu hiện lạm dụng thẩm quyền hành chính hoặc bảo hộ cục bộ của ngành, địa phương. Mọi hành vi cản trở cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền đều sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới: từ tài chính công nghệ (fintech), trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tiền mã hoá, cho đến thương mại điện tử. Đặc biệt, cần có cơ chế thử nghiệm linh hoạt (sandbox) với tinh thần hậu kiểm, phù hợp thông lệ quốc tế. Cùng với đó là yêu cầu hoàn thiện pháp luật về dữ liệu và quản trị dữ liệu – yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp khai thác và kết nối hiệu quả trong nền kinh tế số, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Không dừng lại ở khuôn khổ chính sách, Nghị quyết đặt ra yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Việc phân công, phân cấp, phân nhiệm giữa các cấp chính quyền phải rõ ràng, có trách nhiệm cá nhân cụ thể, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng lúc, phải kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, trục lợi cá nhân trong đội ngũ cán bộ công chức. Song song, cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm hợp lý cho những cán bộ đã làm đúng quy trình, không có động cơ tư lợi, nhưng phát sinh thiệt hại do rủi ro khách quan – nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm.