Đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, nâng cao chỉ số hài lòng

Thứ Tư, 19 Tháng Tư, 2023 66 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ tư với chủ đề cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022; Chỉ số CCHC năm 2022. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (gọi tắt là BCĐ) chủ trì phiên họp. Cùng dự có đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các đồng chí thành viên BCĐ.

Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, TP.

Kết quả tích cực

Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS) phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật. Các quy định kinh doanh được thống kê, hệ thống hóa tập trung trên môi trường điện tử, qua đó dễ dàng rà soát, phát hiện quy định còn chồng chéo để đề xuất phương án cắt giảm.

Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Đến nay đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022.

Công tác tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được quan tâm thực hiện; kết quả đã có 12.5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Đồng chí Lê Ánh Dương dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Về nhiệm vụ thời gian tới, BCĐ xác định tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với CĐS. Tập trung triển khai thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu. Công tác rà soát, sửa đổi các văn bản thuộc thẩm quyền quy định việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy còn chậm. Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế…

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06. Tăng cường xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng tại phiên họp, kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng cấp bộ, tỉnh, TP trực thuộc trung ương cũng được công bố. Theo đó, Chỉ số CCHC năm 2022 tỉnh Bắc Giang xếp thứ 4/63 tỉnh, TP với 88,54 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng xếp thứ 44 cả nước.

Theo công bố, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 4 cả nước về Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2022.

Nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kết quả, khó khăn trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thẩm định quy định TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với CĐS; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.Nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên BTV Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đã quan tâm ban hành các nghị quyết chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt là ngày 12/7/2022 HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Tỉnh đưa tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến là một trong các tiêu chí đánh giá người đứng đầu hằng năm. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, chú trọng phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tại bộ phận một cửa các cấp, đoàn thanh niên thành lập đội tình nguyện thường xuyên túc trực, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đồng chí Lê Ánh Dương chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận đánh giá cao kết quả thực hiện cải cách TTHC gắn với CĐS của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Kết quả tích cực đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp.Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm thống nhất thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở dữ liệu quốc gia với thời gian trong quyết định công bố TTHC của các bộ. Các bộ khẩn trương điện tử hóa các mẫu biểu lĩnh vực Tư pháp, Lao động -Thương binh và Xã hội nhằm thuận tiện trong việc giải quyết TTHC.

Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương thấm nhuần tư tưởng đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Bám sát chỉ đạo của trung ương; đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với CĐS, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với CĐS; trong đó cải cách TTHC có vai trò dẫn dắt; ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để hiện đại hóa nền hành chính. Khẩn trương hoàn thành, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành và của địa phương, bảo đảm dọc – ngang, trên – dưới thông suốt.

Tăng cường đoàn kết, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền gắn với ưu tiền nguồn lực thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác. Kịp thời nắm bắt, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong CCHC, CĐS. Các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Chú trọng công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách để người dân, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ.

Đồng chí đề nghị thành viên BCĐ, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đồng bộ công tác CCHC theo kế hoạch của cơ quan, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng, Chỉ số CCHC năm 2022 xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với CĐS, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực để triển khai Đề án 06.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn; phấn đấu  nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan.

Kết thúc phiên họp trực tuyến của Chính phủ, tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh tăng cao, trong khi đó Chỉ số hài lòng giảm sâu. Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phân tích Chỉ số PCI; Sở Nội vụ tham mưu phân tích Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị phân tích các chỉ số, để tìm giải pháp khắc phục theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm.

Đồng chí đề nghị cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành bộ chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công; sự hài lòng để từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả; bảo đảo sự bền vững của thứ hạng. Hiện nay đã bước qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nên cần tập trung cao hơn nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách TTHC, tạo nền tảng cho sự phát triển.

Theo Báo Bắc Giang