Hiến kế thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

Thứ Tư, 7 Tháng Sáu, 2023 165 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn:

Tạo luồng xanh qua cửa khẩu

Ông Nguyễn Đình Đại.

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 1 nghìn container đưa hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn với khoảng 20 nghìn tấn. Nông sản chiếm 80% tổng lượng hàng hóa, trong đó có vải thiều của Bắc Giang. Thị trường Trung Quốc vẫn còn dư địa rất lớn để xuất khẩu trái cây, nhất là vải thiều. Nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn hỗ trợ tối đa cho vải thiều Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng trong xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu. Tỉnh đã bố trí bến bãi cho phương tiện sắp xếp hàng hóa và tạo luồng xanh riêng cho vải thiều Bắc Giang để sản phẩm được thông quan nhanh nhất.

Trung Quốc đang đẩy mạnh giao thương, trao đổi hàng hóa với Việt Nam và các nước khu vực ASEAN nên xuất nhập khẩu nông sản tăng cao so với trước dịch Covid-19. Đây là cơ hội tốt cho các địa phương, DN phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để hàng hóa bảo đảm xuất khẩu, bà con Lục Ngạn cần lưu ý sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chỉ cần 1-2 lô hàng không đạt, bị trả lại sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ toàn bộ nông sản đó.

Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco):

Bảo đảm dịch vụ vận chuyển qua đường sắt

Ông Trần Thế Hùng.

Ratraco có nhiều tuyến vận chuyển hàng hóa qua đường sắt từ Việt Nam đến ga nội địa Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, châu Âu. Với dịch vụ vận tải như trên, người dân, DN thu mua vải thiều Lục Ngạn có thể lựa chọn thêm kênh vận chuyển tiêu thụ vải thiều bằng đường sắt thay vì chủ yếu bằng đường bộ như hiện nay.

Với việc ga Kép được khai thác liên vận quốc tế, cơ quan hải quan vừa thành lập tổ hải quan tại ga Kép sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các thủ tục hải quan. Hàng hóa nói chung, trong đó có vải thiều thực hiện thông quan tại ga Kép, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc mà không bị ách tắc, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm cũng như hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Đơn vị đủ khả năng cung cấp các dịch vụ như khai báo hải quan; vận chuyển vải thiều từ vườn đến nơi tiêu thụ, bảo đảm phương tiện, bốc xếp, dỡ hàng; thiết bị có thể bảo quản vải thiều tươi 3-4 ngày. Đặc biệt, xuất khẩu vải thiều qua đường sắt đòi hỏi các thủ tục như xuất khẩu chính ngạch nên Công ty sẽ đồng hành cùng DN, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các phần việc để hỗ trợ khách hàng vận chuyển bằng đường sắt thuận lợi nhất.

Ông Jose Mestre, Giám đốc thu mua ngành hàng toàn quốc Tập đoàn Central Retail (GO!):

Quảng bá, giới thiệu tại hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail

Ông Jose Mestre.

Một trong những ưu tiên của Tập đoàn là tăng cường quảng bá, giới thiệu các đặc sản vùng miền của Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của tập đoàn, đặc biệt là trái vải thiều của Bắc Giang. Ngày 16/5 vừa qua, Central Retail đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công Thương Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023. Trên cơ sở đó, Central Retail đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình kích cầu, để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang, phấn đấu tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều của Bắc Giang trong năm nay.

Để đạt mục tiêu trên, Central Retail sẽ triển khai các giải pháp: Hướng dẫn các nhà cung cấp của tỉnh Bắc Giang về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market…; hợp tác với các trang thương mại điện tử và app GO!, Big C, Tops Market nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; trưng bày vải thiều ngay tại lối ra vào siêu thị để người tiêu dùng thuận tiện, dễ dàng mua sắm. Ngoài ra, vụ vải thiều năm nay, chúng tôi cũng xúc tiến xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Thái Lan – thông qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail tại đây.

Theo Báo Bắc Giang