Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 26 để cho ý kiến vào một số nội dung trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. |
Cho ý kiến vào 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị rất công phu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 8. Do là dự án luật đặc biệt quan trọng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chủ trương xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cùng với Chính phủ tiếp tục rà soát các vấn đề quan trọng, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để có thể quán triệt, thể chế hóa một cách đầy đủ nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, trực tiếp là Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bố trí thêm trong chương trình Phiên họp thường kỳ tháng 9 để cho ý kiến một lần nữa, chuẩn bị một cách chất lượng nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại Phiên họp trước. Đây là dự án luật cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là một trụ cột của an sinh xã hội, lần đầu tiên đưa ra những giải pháp lớn để thực hiện Nghị quyết 28 này. Theo ý kiến đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ý kiến lại một lần nữa tại Phiên họp tháng 9, chuẩn bị một dự án luật có chất lượng tốt nhất, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vấn đề hết sức quan trọng này.
Với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi) thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu với các dự án luật này.
Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được các đồng chí trong Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để cho ý kiến về một số định hướng lớn, với tinh thần “cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước”, tương tự như chính sách đặc thù đã trình Quốc hội xem xét, quyết định cho Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng ta cũng kỳ vọng, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là những đột phá tạo ra khung khổ thể chế cho sự phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong các dự án luật này, một số dự án đã được Quốc hội cho ý kiến, đã được đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4. Cơ bản, các dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến chọn lọc về những vấn đề lớn, vấn đề còn có ý kiến khác nhau với những dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Ngoài ra, dự kiến, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đồng thời.
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi, thống nhất với Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy định của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đồng thời vẫn giữ, củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư của nước ta.
Dự thảo nghị quyết thứ ba sẽ được xem xét tại phiên họp này là về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cho ý kiến về một số báo cáo giám sát
Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023″. Đây là một trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.
Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo với 2 chuyên đề giám sát của Quốc hội và 1 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là dự thảo và đề cương báo cáo chuyên đề thứ 4 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. “Cả 4 chuyên đề này cần được triển khai quyết liệt từ cuối năm nay”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ 2 với báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu, Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tập trung vào nội dung chính của báo cáo, dự thảo nghị quyết với những giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá để hỗ trợ và đồng hành với quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu rất quan trọng này, chỉ rõ những việc làm cụ thể, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan và thời hạn thực hiện.
Cùng với đó, để chuẩn bị cho Quốc hội tổ chức hoạt động “giám sát lại” tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của các cơ quan về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án của năm 2023; báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2023 của Quốc hội, cho ý kiến về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 5 ngày, bố trí thành 3 đợt (từ 12/9 đến sáng 14/9; ngày 18/9, 20/9; 29/9).
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hình ảnh nồi cháo thứ 46 do Bưu điện tỉnh Bắc Giang ủng hộ
Việt Nam có thể đón cơ hội vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bắc Giang thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước
Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả
Tập đoàn Foxconn sẽ rót thêm 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất chip
Bắc Giang phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp – Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư
Chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc