Sáng 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì buổi làm việc về giải quyết vướng mắc hướng tuyến Dự án đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia và trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình đường dây và Trạm biến áp trên địa bàn tỉnh.
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; UBND huyện Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang; Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; Công ty Điện lực Bắc Giang; Công ty Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, Dự án đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia đi qua 6 xã nằm trên địa bàn 3 huyện là Lục Nam, Yên Dũng và Lạng Giang.
Tại huyện Lục Nam có 26 vị trí cột nằm trên địa bàn huyện thuộc tuyến đường dây 220kV đi qua có Quy hoạch Cảng nội địa Yên Sơn đã được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng ngày 9/3/2022. Huyện Yên Dũng có 7 vị trí cột nằm trên địa bàn huyện trên tuyến đường dây 220kV đi qua có Quy hoạch vành đai 5. Huyện Lạng Giang có 10 vị trí cột nằm trên địa bàn huyện trên tuyến đường dây 220kV đi qua có Quy hoạch vành đai 5, khu dân cư Trung tâm xã Đại Lâm và Khu tiểu thủ công nghiệp; các quy hoạch chồng lấn nêu trên đều được triển khai sau thời điểm hướng tuyến đường dây 220kV được thỏa thuận.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 đơn vị tư vấn Dự án đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang vào hệ thống điện Quốc gia không thường xuyên bám sát địa phương cập nhật những quy hoạch dự án mà tuyến đường dây 220kV đi qua dẫn đến việc quy hoạch các dự án của địa phương chồng lấn vào hướng tuyến đường dây 220kV nên phải thực hiện điều chỉnh hướng tuyến.
Đối với Dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Yên Lư (huyện Yên Dũng) đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai do có một phần hướng tuyến đi trong đất khu công nghiệp hiện tại chưa được giải phóng. Việc triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng đối với phần lưới điện ngoài hàng rào đấu nối vào tuyến đường dây 110kV Quang Châu đi Quế Võ. Do tính chất, quy mô xây dựng tuyến 110kV đi qua địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thống nhất vị trí móng cột và thỏa thuận hướng tuyến.
Dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Hưng (huyện Lạng Giang) nằm ngoài ranh giới khu công nghiệp nên việc điều chỉnh tuyến đường dây và trạm biến áp vào trong đất cây xanh khu công nghiệp dẫn tới phải điều chỉnh một số hạng mục công trình và hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thông báo công khai, xin ý kiến cộng đồng dân cư.
Tại buổi làm việc, Sở Công Thương đề nghị Công ty bất động sản Capella chủ đầu tư Dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Yên Lư phối hợp chặt chẽ với UBND xã Yên Lư, UBND huyện Yên Dũng để kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đất mà tuyến đường dây 110kV đi qua.
Đề nghị Công ty cổ phần Lideco1 chủ đầu tư Dự án đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Hưng phối hợp với UBND huyện Lạng Giang sớm hoàn thiện việc xin ý kiến cộng đồng dân cư trong việc điều chỉnh quy hoạch trình Sở Xây dựng thẩm định báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện trên địa bàn.
Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh song ngày càng có nhiều nhà máy tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, tốc độ đô thị hóa tiến nhanh và nhu cầu điện là rất lớn. Xác định việc đầu tư triển khai các dự án điện đóng vai trò quan trọng đối với bối cảnh tỉnh đang phấn đấu 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, do đó, tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cùng chủ đầu tư.
Tuy nhiên đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra công tác triển khai Dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư chưa có sự thống nhất xuyên suốt, dẫn đến việc chồng lấn quy hoạch, các dự án điện triển khai chậm, ảnh hưởng đến nhu cầu hạ tầng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đề nghị các đơn vị cần tăng cường chia sẻ, bàn giải pháp, đi đến thống nhất phương án thực hiện tối ưu; mục tiêu là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên và phù hợp với quy hoạch chung của địa phương liên quan.
Đồng chí yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, lên kế hoạch cụ thể để các bên hoàn thiện việc điều chỉnh thủ tục hành chính đối với quá trình triển khai các dự án. Chủ đầu tư cần chủ động bám sát, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và địa phương liên quan để thực hiện các thủ tục, giải pháp về điều chỉnh điểm cột, hướng tuyến xây dựng công trình, đảm bảo đúng tiến độ.
Về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình đường dây và Trạm biến áp trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị các bên liên quan thống nhất thực hiện theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đó là áp dụng quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu./.
Theo bacgiang.gov.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hình ảnh nồi cháo thứ 46 do Bưu điện tỉnh Bắc Giang ủng hộ
Việt Nam có thể đón cơ hội vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bắc Giang thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước
Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả
Tập đoàn Foxconn sẽ rót thêm 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất chip
Bắc Giang phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp – Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư
Chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc