Chiều 11/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 2023 (13/10/1945 – 13/10/2023). Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; một số sở, ban, ngành và 15 doanh nhân tiêu biểu đại diện từ các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 30/9/2023, toàn quốc có 881.229 DN đang kinh doanh, tăng 26.871 DN (3,15%) so với cùng kỳ năm 2022. Số DN thành lập mới, khôi phục kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 165.240 DN, tăng gấp 1,2 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022, khẳng định niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.
Kết quả hoạt động kinh doanh của DN ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của khu vực DN ngoài quốc doanh đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu của các DN nhà nước trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. DN trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia. DN chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ DN phục hồi, thích ứng và phát triển. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường cho DN trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khơi thông nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với DN.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận kết quả kinh doanh của các DN; đồng thời bày tỏ các kinh nghiệm, giải pháp, chia sẻ trong tái tạo văn hóa, kinh doanh của DN; quá trình khởi nghiệp của các DN tạo giá trị tác động xã hội; các đóng góp của doanh nhân nữ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam;…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định Việt Nam đang bước vào giai đoạn có rất nhiều lợi thế, cơ hội cũng như thách thức, nguy cơ tiềm ẩn. Với quan điểm hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc của DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí trong đầu tư kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho DN.
Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích DN tham gia vào ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong DN.
Các hiệp hội DN tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên hợp tác cùng phát triển. Phát huy vai trò cầu nối vững chắc giữa cộng đồng DN hội viên với cơ quan quản lý nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hỗ trợ DN của Trung ương và địa phương để xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ DN.
Các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, theo sát diễn biến của thị trường, tập trung cắt giảm chi phí, nắm bắt từng cơ hội đơn hàng để duy trì hoạt động. Tận dụng tối đa lợi thế của 16 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế. Tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của DN…
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Công ty cổ phần Tập đoàn TuTa có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2023; tặng hoa chúc mừng các doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh./.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Việt Nam tham gia các phiên họp về phòng vệ thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới
Đề xuất nâng cấp tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang lên 10 làn xe
Hình ảnh nồi cháo thứ 62 do Hội Doanh nghiệp thành phố Bắc Giang ủng hộ
Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân
Từ Nghị quyết số 68-NQ/TW: Kiến tạo đội ngũ doanh nhân trẻ hội nhập, làm chủ công nghệ
Bộ Tài chính nghiên cứu áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng nhà đất
Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Nghị quyết số 68-NQ/TW: Sẽ có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa