Chiều 18/10, tại thị xã Đông Triều, Ban Thường vụ (BTV) các đơn vị: Thị ủy Đông Triều (Quảng Ninh), Thành ủy Chí Linh và Thị ủy Kinh Môn (Hải Dương), Huyện ủy Lục Nam và Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, giai đoạn 2022 – 2025.
Ngày 10/3/2022, BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã ban hành Kết luận số 352 về việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh Quảng Ninh – Bắc Giang – Hải Dương, giai đoạn 2022-2025. Thực hiện Kết luận, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền 5 địa phương (Đông Triều, Kinh Môn, Chí Linh, Lục Nam, Sơn Động) đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực: Quy hoạch, hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, an ninh quốc phòng…
Lãnh đạo 5 địa phương ký kế hoạch phối hợp thực hiện Kết luận số 352. |
Đồng thời, phối hợp triển khai nhiều dự án để tăng cường kết nối giao thông giữa Quảng Ninh với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Đặc biệt đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới; hợp tác triển khai 2 dự án đường giao thông kết nối với quốc lộ 279 tại xã Tân Dân (TP Hạ Long) đấu nối vào tỉnh lộ 291 thuộc huyện Sơn Động, dự án tỉnh lộ 345 (thị xã Đông Triều) đấu nối với tỉnh lộ 293 thuộc huyện Lục Nam, tổng mức đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng…
Những kết quả đạt được trong nội dung phối hợp có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương; tiếp tục khẳng định vị thế của các địa phương tạo đà tăng trưởng kinh tế của các tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động hợp tác giữa 5 địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sự phối hợp giữa các địa phương có lúc chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển KT-XH; hợp tác trong phát triển sản xuất kinh doanh vẫn thiếu tính định hướng và chưa bền vững; một số tuyến giao thông chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo 5 địa phương đã thảo luận, phân tích để làm rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp, nguyên nhân tồn tại, hạn chế. Từ đó thống nhất cao các đề xuất để đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy Sơn Động cho biết, Sơn Động là huyện nghèo nên điểm xuất phát KT – XH còn thấp, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Để thúc đẩy liên kết vùng, huyện cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy hoạch, xây dựng đường hầm xuyên núi kết nối Đông Yên Tử với Tây Yên Tử; quy hoạch công viên nghỉ dưỡng sinh thái, thu hút đầu tư điện gió…
Quang cảnh hội nghị. |
Cùng đó, kết nối tua tuyến theo chuỗi từ An Phụ – Côn Sơn – Kiếp Bạc –Suối Mỡ – Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần – Yên Tử. Đặc biệt, sau khi hoàn thành các dự án đường kết nối với Tây Yên Tử thì Sơn Động sẽ gần biển hơn từ điểm kết nối đến Cảng Cái Lân còn khoảng 40 km.
Một số đại biểu cho rằng, các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 các tuyến giao thông kết nối và ưu tiên bố trí nguồn lực tập trung hợp tác đầu tư để tăng cường liên kết vùng trên nguyên tắc phần thuộc địa giới hành chính của bên nào bên đó đầu tư. Tăng cường chia sẻ hợp tác thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, khẳng định: Hội nghị nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp giữa 3 tỉnh để Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng. Sau hội nghị này, 5 địa phương sẽ tiếp tục sát cánh, cùng hỗ trợ và hợp tác, tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, huy động nguồn lực, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ của các địa phương để góp phần quan trọng kiến tạo nên không gian phát triển mới, cũng như đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của các địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ cùng tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm liên tuyến, liên tỉnh giáp ranh; quan tâm, bảo tồn bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử khảo cổ học của các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tại hội nghị, lãnh đạo 5 địa phương đã tổ chức ký kế hoạch phối hợp thực hiện Kết luận số 352 về thúc đẩy liên kết vùng. Trong đó trọng tâm hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hình thành đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Ninh và tạo điều kiện cho Bắc Giang có “biển”; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, an ninh trật tự, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương…
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Muốn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phải định danh qua VneID?
Quỹ từ thiện của doanh nghiệp tỉnh sưởi ấm người bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số