Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6

Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một, 2023 101 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ông Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến sáng 16/11.

“Dự thảo hiện còn ý kiến khác nhau, một số nội dung thiết kế hai phương án. Những vấn đề này Ủy ban Kinh tế chưa trình bày quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại phiên họp Thường vụ, sáng 16/11.

Theo ông Huệ, với nội dung còn hai phương án (chưa thống nhất được chính sách quy định trong luật), Thường vụ Quốc hội sẽ bàn, rút lại còn một để trình Quốc hội quyết định.

Khẳng định đây là dự án luật rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đặt chất lượng lên hàng đầu. Trên cơ sở cuộc làm việc hôm nay, Ủy ban Kinh tế có nhiệm vụ tham mưu cho Thường vụ Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ về những chính sách chưa thống nhất để tạo đồng thuận.

“Các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ vì sang kỳ họp sau thời gian chỉnh lý sẽ rất ngắn; nếu đưa nội dung này vào kỳ họp bất thường thì cũng chỉ có 5 ngày”, ông Huệ nói.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp 6 đang diễn ra.

Nguyên nhân là qua lấy ý kiến, các đại biểu cho rằng cách thiết kế chính sách trong dự luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Khi thảo luận tại hội trường, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định cần sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự luật thấu đáo, cân nhắc cẩn trọng và đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng chất lượng của dự luật phải được đặt lên hàng đầu, “tránh trường hợp luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống của người dân”. Ngoài ra, dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với luật, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.

Theo ông Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến. Sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo một số nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự luật.

Ông đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất.

Dự án luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 29/11 – ngày cuối kỳ họp 6. Tuy nhiên đến nay, dự luật vẫn còn 14 nhóm nội dung có hai phương án cần xin ý kiến, như: Trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội; thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ…

Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, dự thảo đề xuất hai phương án: Giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp; hoặc quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.

Luật Đất đai hiện hành có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Trước đây, Chính phủ đã trình và Quốc hội quyết định đưa dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi xem xét dự thảo luật 4 lần, trước khi được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Theo Báo Bắc Giang