Tân Yên: Khai thác lợi thế phát triển du lịch

Thứ Sáu, 12 Tháng Một, 2024 1001 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Vùng đất Tân Yên có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Với những lợi thế đó, huyện tập trung nguồn lực phát huy giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch.

Đậm bản sắc văn hóa

Thắng cảnh núi Dành tại xã Liên Chung và Việt Lập nằm cách sông Thương không xa, đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mặt nước biển. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với rừng thông nhiều năm tuổi và không khí trong lành. Đường lên núi Dành được xây 345 bậc thoai thoải. Dưới chân núi có giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2m, nước luôn trong xanh. Tọa lạc trên đỉnh núi là đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, di tích vẫn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt.

Khu di tích đền Dành.

Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Giêng hằng năm với nghi lễ rước thần từ đình Vường lên đền Dành thu hút đông người dân trong vùng và khách thập phương. Đến đây, du khách còn được xem trình diễn hát ví, hát ống – di sản phi vật thể, đồng thời thưởng thức các sản vật như: Sâm Nam núi Dành – loại sâm quý tiến vua dưới triều Nguyễn cùng món nem nướng, tương và hành tía mang đặc trưng của vùng đất này. UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định công nhận Điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành.

Huyện Tân Yên còn nhiều thắng cảnh khác như: Núi Đót, xã Phúc Sơn; hồ đá Ong, xã Lan Giới cùng hệ thống di tích lịch sử – văn hóa dày đặc với 431 di tích các loại. Trong đó có 96 di tích được xếp hạng, 15 di tích lịch sử, văn hóa nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế, 5 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích có kiến trúc cổ, độc đáo mang giá trị mỹ thuật cao như: Đình Vường, xã Liên Chung; lăng Phục Chân Đường, xã Việt Lập; đình Cao Thượng, thị trấn Cao Thượng; chùa Kim Tràng, xã Việt Lập. Hằng năm, trên địa bàn huyện có khoảng 190 lễ hội thôn, làng, xã, trong đó có các lễ hội trọng điểm của huyện là: Đình Hả, xã Tân Trung; đình Vồng, xã Song Vân; đền Trũng, xã Ngọc Châu.

Di tích chùa Phúc Sơn vừa được trùng tu khang trang.

Khai thác lợi thế địa phương, UBND huyện Tân Yên chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ các xã, thị trấn, doanh nghiệp (DN) xây dựng các sản phẩm đặc trưng, OCOP phục vụ nhu cầu của du khách. Riêng năm 2023, huyện Tân Yên triển khai xây dựng 2 mô hình gồm: Xây dựng điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành đạt tiêu chuẩn OCOP; phát triển sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch tâm linh sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương. Hiện trên địa bàn có 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược. Những sản phẩm này được nhiều khách du lịch mua làm quà.

Đầu tư tôn tạo, thu hút du khách

Thực hiện Đề án phát triển du lịch tâm linh, sinh thái núi Dành, UBND huyện đã nâng cấp, cải tạo di tích, hệ thống giao thông tại địa bàn và khu vực xung quanh; khôi phục nét văn hóa đặc sắc như hát ống – hát ví và lễ hội Bảo Lộc Sơn với trò chơi cướp cầu vào mùa xuân; mở rộng không gian lễ hội đền Dành. Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại thị trấn Nhã Nam trở thành địa chỉ du lịch về nguồn. Huyện xây dựng một số tuyến theo hướng du lịch tâm linh, sinh thái; lịch sử, văn hóa liên kết với các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên và Bảo tàng tỉnh.

Các sản phẩm chế biến từ sâm Nam núi Dành.

Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện tu bổ, tôn tạo 21 di tích với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện số hóa các di tích được xếp hạng và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Lượng du khách đến huyện tăng hằng năm, nhất là vào mùa lễ hội. Riêng năm 2023, toàn huyện thu hút gần 56 nghìn lượt du khách.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của huyện ngày càng được quan tâm. Huyện chủ trương phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, đặc trưng của vùng. Dành nguồn lực đầu tư và thu hút nguồn lực xã hội tu bổ, tôn tạo các di tích, nâng cấp giao thông, khôi phục và duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian trong lễ hội.

Tại xã Cao Xá, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Phúc Sơn vừa được trùng tu tôn tạo khang trang, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Điểm nhấn của công trình là bảo tháp cao 13 tầng, bên trong có tượng ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thời gian tới, nơi đây sẽ trở thành địa chỉ sinh hoạt Phật pháp cho phật tử trong tỉnh và cả nước; nơi tổ chức các khóa tu mùa hè, lớp học đạo đức cho thanh, thiếu niên trong vùng.

Theo bà Hà Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Xá, sau khi chùa được trùng tu, tôn tạo, du khách nhiều nơi đã đến tham quan, vãn cảnh, chiêm bái. Địa phương và Ban quản lý chùa tiếp tục huy động xã hội hóa để hoàn thiện các hạng mục phục vụ dịch vụ, lưu trú của tăng, ni, phật tử và du khách; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự vào mùa lễ hội và các sự kiện tại chùa.

Nhiều xã như Phúc Hòa, Hợp Đức, thị trấn Cao Thượng đã mở rộng diện tích vải thiều sớm, ổi, vú sữa vừa tăng hiệu quả canh tác đồng thời thu hút khách du lịch đến tham quan và thưởng thức các loại trái cây đặc sản. Khai thác lợi thế đất đai, nhiều DN, cơ sở, hộ dân tại xã Liên Chung, Việt Lập đầu tư trồng và chế biến các sản phẩm chất lượng từ sâm Nam núi Dành, xây dựng nhãn hiệu đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Với tiềm năng du lịch hiện có cùng những nét văn hóa độc đáo và định hướng phát triển của huyện, Tân Yên nỗ lực để trở thành “điểm đến” hấp dẫn đối với đông đảo du khách gần xa.

Theo Báo Bắc Giang