Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã hiến kế nhiều giải pháp.
Ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao Những năm gần đây, Bắc Giang luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với xu hướng chung của cả nước, tỉnh ngày càng chú trọng thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, quan tâm đến yếu tố “xanh” và bền vững hơn là số lượng đầu tư nhằm cân bằng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với mục tiêu giai đoạn 2023- 2025, Bắc Giang nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) dẫn đầu cả nước, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành chuyên môn triển khai thực hiện kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PGI của tỉnh. Theo đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường khu sản xuất kinh doanh, bảo đảm 100% khu công nghiệp đang hoạt động có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư “xanh”, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, DN trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, sự cần thiết, xu thế tất yếu của sản xuất “xanh”. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, trong đó tập trung nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào. Có chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển công nghiệp bền vững, công nghiệp “xanh”; phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp xanh”. |
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Thay đổi tư duy, thích ứng xu thế kinh tế mới Có thể nói, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi hết sức sâu sắc, nhiều nhận định cho rằng giai đoạn hiện nay đang diễn ra những chuyển đổi mang tính lịch sử. Những chuyển đổi này vừa do tác động ngắn hạn, chưa có tiền lệ (hệ quả của dịch Covid 19, xung đột Nga – Ukraine…), vừa chịu ảnh hưởng của những vấn đề mang tính cơ cấu, nền tảng, lâu dài; vừa chịu tác động cộng hưởng của các yếu tố địa kinh tế, địa chính trị, địa chiến lược. Bắc Giang là địa phương có độ mở nền kinh tế rất lớn, do vậy mỗi xu thế, diễn biến mới của kinh tế thế giới đều tác động mạnh đến kinh tế của tỉnh. Là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh nên tác động càng rõ nét. Tận dụng thời cơ, tranh thủ lợi thế của hiệp định thương mại tự do và chủ động thích ứng với xu thế kinh tế mới, các DN cần thay đổi tư duy, hành động ngay, không để lỡ nhịp khi các quy định mới bắt buộc sắp được áp dụng. Những quy định mới của các nước tiên tiến đối với hàng hoá nhập khẩu cũng là dịp để DN chủ động, kịp thời nắm bắt và thích ứng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững hơn, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư chất lượng cao và tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ có những lợi thế cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh đó, ngoài chính sách tổng thể quốc gia, tỉnh cần sớm xây dựng cơ chế hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái, tạo nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của DN… đáp ứng yêu cầu của đối tác trong xu thế chuyển dịch kinh tế mới. |
Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang (LGG)
Phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư sản xuất xanh Công ty LGG hoạt động trong lĩnh vực may mặc, hiện có hơn 4 nghìn lao động. Sản phẩm chủ yếu gồm quần áo jacket, áo lông vũ, áo dán đường may, được xuất khẩu sang các thị trường chính như: Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản. Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD/năm. Sản xuất “xanh” đang là động lực và cũng là yêu cầu của nhiều khách hàng. Công ty đã sớm xây dựng các tiêu chí và được cấp chứng chỉ “Nhà máy xanh”. Từ năm 2020, Công ty đầu tư hơn 12 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, tổng công suất 1MW. Từ khi đưa vào vận hành, mỗi tháng DN tiết kiệm 15% tiền điện so với trước. Vào những ngày nắng nóng, mái nhà xưởng được lắp tấm pin mát hơn, giúp công nhân làm việc trong môi trường thoải mái. Cách làm này là hướng đầu tư phát triển mới cho ngành dệt may vừa giúp đơn vị giảm chi phí; đồng thời giảm áp lực cho ngành điện và thân thiện với môi trường sống. Dùng điện mặt trời còn đáp ứng xu hướng chuyển dịch kinh tế mới. Đó là khi đánh giá, khảo sát nhà xưởng, DN châu Âu sẽ ưu tiên hợp tác, mua hàng của DN sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất. Người châu Âu sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua sản phẩm có nguồn gốc được sản xuất từ năng lượng xanh. Sang năm tới, DN tiếp tục đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tương đương khoảng 1 MW nữa để mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất. Cùng đó, Công ty chú trọng nâng cao nhận thức người lao động về bảo vệ môi trường sống như: Tích cực trồng cây xanh, sử dụng điện tiết kiệm, chung tay bảo vệ môi trường. Theo Báo Bắc Giang |
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ