Nhập khẩu vàng, bỏ độc quyền vàng SJC để thoát khỏi vòng xoáy giá vàng

Thứ Hai, 13 Tháng Năm, 2024 158 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực tế đấu thầu vàng đã thất bại khi không hạ được giá vàng, lại tạo nên cơn sốt giá vàng chưa từng có. Giá vàng vẫn đang trong vòng xoáy. Tại sao không cho nhập khẩu vàng, không bỏ độc quyền vàng miếng SJC?

Kể từ cuối tháng 12-2023, Thủ tướng liên tục có công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tìm giải pháp ổn định thị trường vàng. Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ phát đi nhiều công điện, chỉ đạo NHNN tìm cách ổn định thị trường vàng. Mới nhất, ngày 11/5, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Thông báo yêu cầu NHNN tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng. Đó là những chỉ đạo có tính hành chính, còn thực hiện là NHNN nhưng chính cơ quan này vẫn đang loay hoay trong vòng xoáy giá vàng.

Xu hướng giá vàng thế giới vẫn tăng
Xu hướng giá vàng thế giới vẫn tăng.

Càng đấu thầu, giá vàng càng tăng

Thực tế, các chỉ đạo của Chính phủ chỉ có tính chất hành chính, còn các biện pháp do NHNN tổ chức điều hành. 2/5 phiên đấu thầu vàng thành công vừa qua, đã đưa ra thị trường 6.800 lượng vàng miếng gần như đã được thị trường hấp thụ hết, với giá rất cao nhưng các doanh nghiệp (DN) trúng thầu vẫn lời. Đỉnh điểm tới 10/5, nhiều đơn vị hết hàng hoặc hạn chế lượng vàng bán ra. Ngay cả SJC là đơn vị hai lần liên tiếp trúng thầu, cũng hết vàng miếng cục bộ, buộc phải giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 1 lượng/ngày. Ngay cả 2.000 lượng vàng của một đơn vị kinh doanh lớn sau trúng thầu được bán sạch trong ngay trong ngày 9/5.

Nhìn các phiên đấu thầu vàng, dễ thấy những nghịch lý giá vàng và cách đấu thầu. NHNN thường đưa ra giá thầu thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với thị trường ở thời điểm đó và cao hơn 14-15 triệu đồng so với giá quốc tế. Người dân có nhắm mắt cũng thấy rằng DN sẽ phải bán ra với giá cao hơn giá trúng thầu. Điều này tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược trong ngắn hạn, đẩy giá vàng miếng tăng tốc, như ngày 10/5, giá vàng lên đến hơn 92,4 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch với giá vàng thế giới lên đến gần 20 triệu đồng – mức kỷ lục từ trước đến nay.

Cho đến nay, giải pháp mà NHNN đưa ra để ổn định thị trường vàng là tổ chức đấu thầu vàng – biện pháp không mới, mà cách nay hơn 11 năm NHNN đã từng làm.

Thời điểm 2013, lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng. Trong 1 năm đã có 76 phiên đấu thầu được tổ chức, chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng vàng, bán thành công 1.819.900 lượng – tương đương 69,9 tấn vàng. Kết quả là ổn định được giá vàng.

Vậy tại sao ở thời điểm năm 2024, càng đấu giá vàng, giá vàng càng tăng. Mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng tăng cao?

Trả lời câu hỏi này, cần nhớ ở thời điểm năm 2013, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới thời điểm đó đang giảm. Còn hiện nay tình hình kinh tế trong nước và thế giới khác biệt so với thời điểm 2013. Thời điểm 2024, NHNN tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên lục tăng. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước. Giá vàng trong nước khi thực hiện đấu thầu vàng cao hơn giá vàng thế giới đến 14 triệu đồng/lượng, càng tổ chức đấu giá vàng, sự chênh lệch đó lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó “hạ nhiệt” giá về sát hơn với giá thế giới. Do đó, NHNN hình dung kịch bản một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường, tạo ra tác động tâm lý khiến nhiều người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, đẩy giá đi xuống.

Thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới, trái ngược lại với lý thuyết.

Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 3-4 triệu đồng/lượng dù giá thế giới đi ngang và giá vàng trong nước lại cao hơn hẳn so với thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Dự báo giá vàng thế giới vẫn còn tăng

Các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín ở nước ngoài dự báo giá vàng sẽ lên từ 3.000 đến 3.200 USD/ounce. Nếu giá tăng đến mốc này, cộng với mức chênh lệch giá vàng SJC và thế giới – khoảng 15-17 triệu đồng/lượng thì vàng SJC có thể cũng lên tới 110 triệu đồng/lượng như giá tự tính toán của người đầu tư, hay cả người dân bình thường cũng có thể suy ra. Thực tế với giá vàng 90,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10-5, người dân vẫn xếp hàng tranh mua vàng.

Với thực trạng kinh tế hiện nay, vàng vẫn là nơi “trú” an toàn của người dân và cả nhà đầu tư, khi thị trường bất động sản vẫn chưa rã băng, đầu tư bất ổn với nhiều rủi ro. Thị trường chứng khoán cũng biến động lớn, thiếu ổn định, nhiều cổ phiếu trồi sụt liên tục. Trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ở mức rất thấp cũng không hấp dẫn người gửi tiền.

Thực tế đó lý giải vì sao giá vàng lên đến 92,4 triệu đồng.lượng hôm 10-5 người dân vẫn xếp hàng mua bán. Họ tin rằng giá vàng còn tăng cao hơn nữa, có thể lên trên 100 triệu đồng/lượng.

Cơ sở của sự tính toán này là do giá vàng quốc tế đang ở chiều hướng tăng từ dưới 1.800 USD/ounce năm 2023, đến nay lên đến 2.300 USD/ounce. Quy luật giá vàng thế giới cho thấy giá tăng liên tục và rất ít khi giảm. Giá vàng cho là đạt đỉnh lên 1.675 USD/ounce vào ngày 31/12/2012 và hơn 11 năm qua nó đạt đỉnh 2.300 USD/ounce như hiện nay.

Nhiều trang tin tài chính thế giới phân tích nguyên nhân giá vàng tăng, bao gồm xung đột địa chính trị ở nhiều nơi, sự bất đồng thương mại giữa các cường quốc làm bất ổn thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ để thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD, do vậy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng liên tục 18 tháng liền, đưa tổng dự trữ lên trên 2.200 tấn, cộng với nhu cầu người dân Trung Quốc vẫn thường mua vàng đầu tư, góp lực đẩy đưa giá vàng tăng cao. Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia khác cũng tìm cách mua vàng, tăng dự trữ để đối phó với những bất ổn kinh tế toàn cầu.

Giá vàng quốc tế còn có thể tăng nữa hay không khó có thể dự đoán và xu hướng tăng là khó tránh khỏi.

Vấn đề lớn nhất và là trách nhiệm của NHNN là tìm biện pháp giảm mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế.

Trung Quốc đang tăng mua vàng để dự trữ
Trung Quốc đang tăng mua vàng để dự trữ.

Cho nhập vàng và xóa độc quyền vàng miếng SJC

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nếu cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong 1 tuần, giá vàng trong nước sẽ giảm xuống, bằng giá vàng thế giới.

Đề xuất này có từ lâu cũng từ các chuyên gia, khẳng định rằng cứ cho các DN có đủ điều kiện nhập vàng (bằng ngoại tệ của DN), lập tức san bằng được khoảng cách này. Nếu làm như vậy, các DN sản xuất và kinh doanh vàng miếng sẽ được lợi nhưng còn áp lực tỷ giá?

Các chuyên gia còn đề nghị bỏ độc quyền nhập khẩu vàng thô, thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung, theo đó các công ty quốc doanh có thể cạnh tranh nhau nhập khẩu vàng ròng để sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý và bán ra một cách minh bạch với hóa đơn chính thức có sự kiểm tra của NHNN.

Nhập khẩu vàng có làm “chảy máu” ngoại tệ? Trả lời câu hỏi này phải nhìn vào thực tế. Có ai, có cơ quan nào tính toán được tình trạng “chảy máu” ngoại tệ để nhập vàng lậu tồn tại nhiều năm qua, mà một số vụ mua bán vàng lậu qua biên giới đã đưa ra tòa? Giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng cao, càng kích thích tình trạng nhập lậu vì siêu lợi nhuận. Hãy hình dung, giá vàng ở Campuchia ngày 13-5 là 11.592.927 riel/lượng, khoảng hơn 73 triệu đồng/lượng, làm sao không kích thích buôn lậu vàng và “chảy máu” ngoại tệ.

Một biện pháp khác là bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hôm 28/3, chính NHNN đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều điện. Vậy tại sao đến nay vàng miếng SJC vẫn làm chủ thị trường?

Sự độc quyền của vàng miếng SJC gây bất lợi cho thị trường, bởi giá vàng SJC thường cao hơn nhiều so với các loại vàng khác, đặc biệt mức chênh lớn so với thị trường thế giới.

Giải pháp lập sàn vàng trong nước hay có tính quốc tế như sàn vàng Thượng Hải (Trung Quốc) chẳng hạn, cũng cần phải tính đến và tổ chức một cách chuyên nghiệp.

Qua các phiên đấu thầu vàng, những hạn chế của nó đã bộc lộ. Đã đến lúc NHNN cần có biện pháp mạnh, nếu tiếp tục đấu thầu vàng, vòng xoáy giá vàng cứ lẩn quẩn và ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá, làm bất ổn kinh tế vĩ mô là điều không tránh khỏi.

Vàng tăng, USD tăng, VND suy yếu

Vàng được định giá bằng USD nên tạo ra một vòng xoáy, theo đó giá vàng tăng càng làm suy yếu đồng VND.

Trong khi đó tỷ giá USD biến động liên tục. Hiện giá USD được niêm yết tại các ngân hàng tăng trở lại sau thời gian hạ nhiệt, lên mốc 25.484 đồng bán ra. Các DN cần thanh toán hay trả nợ bằng đồng USD than khó khăn, chật vật khi thu xếp dòng tiền. Một số DN vay USD với lãi suất dao động trên dưới 3%, nay lên 4-5%, trên dưới 6-7%. Lúc vay USD chỉ hơn 24.000 đồng/USD nhưng nay đến lúc trả đã gần 25.500 đồng. Với lãi suất và tỉ giá USD cứ tăng tà tà, nhiều DN làm không đủ trả nợ.

Nếu để kéo dài tình trạng giá vàng biến động mạnh sẽ gây sức ép đối với tỷ giá, sức mua đồng tiền khi VND cũng mất giá theo, ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả hàng hóa và tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Thực tế thị trường đang lập mặt bằng giá mới.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập