Bắc Giang: Doanh nghiệp chấm điểm sở ngành, Chủ tịch tỉnh xác định rõ không có thứ hạng an toàn

Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai, 2023 278 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Dù không được nhắc đến nhiều trong lễ công bố, nhưng các sở, ngành nằm giữa Bảng xếp hạng DDCI Bắc Giang đang đối mặt với sức ép không hề nhỏ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ vững ngôi quán quân

Tại Hội nghị công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thành phố (DDCI) và trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bắc Giang” năm 2023 vừa diễn ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giữ vững vị trí quán quân và á quân trong số 20 đơn vị được xếp hạng ở bảng xếp hạng khối sở, ban, ngành. Công an tỉnh đứng vị trí thứ 3, tăng 3 bậc so với kỳ xếp hạng năm 2022.

Bảng xếp hạng DDCI Bắc Giang 2023

Ba vị trí cuối bảng là Chi cục Hải quan (18/20), Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (19/20) và Cục quản lý thị trường tỉnh (20/20).

Ở bảng DDCI khối địa phương, huyện Việt Yên, TP. Bắc Giang và huyện Lục Nam giữ 3 vị trí đầu tiên.

Phân tích về các vị trí được xác lập trên cơ sở đánh giá, chấm điểm của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Giang đặc biệt nhấn mạnh đến sự tăng điểm trung vị của chỉ số thành phần Vai trò người đứng đầu sở, ban, ngành năm 2023, từ 5,54 điểm năm 2022 lên 8,34 điểm.

“Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ vào vai trò của người đứng đầu các sở ngành. Đứng đầu bảng là Sở Kế hoạch và Đầu tư với 9,38 điểm; xếp thứ 2 là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 9,33 điểm. Các đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng cũng đạt được điểm tương đối khá, cụ thể: Cục Quản lý thị trường tỉnh đứng cuối bảng với 7,03 điểm; xếp ở vị trí thứ 19/20 là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 7,52 điểm; xếp ở vị trí thứ 18/20 là Sở Tài nguyên và Môi trường với 7,82 điểm”, ông Cường phân tích.

Tuy nhiên, ông Cường quan tâm hơn cả tới điểm số trung vị chỉ số thành phần Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của khối sở, ban, ngành.

“Điểm này năm nay là 5,3 điểm, giảm 0,96 điểm so với năm trước. Đây là năm thứ hai giảm liên tiếp, cho thấy các doanh nghiệp đánh giá các sở, ban, ngành trong năm qua còn bị động trong việc nắm bắt và xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của mình”, ông Cường chia sẻ.

Đáng nói là các đơn vị đứng đầu DDCI năm 2023 của Bắc Giang cũng là 3 đơn vị đứng đầu chỉ số về tính năng động, sáng tạo và hiệu quả. Ở chiều nước lại, vị trí cuối cùng cũng rơi vào Cục Quản lý thị trường, đạt 1,0 điểm đứng thứ 20/20. Bảo hiểm xã hội có điểm giảm sâu nhất trong chỉ số này, là 5,84 điểm, là nguyên nhân khiến cho thứ hạng giảm từ vị trí thứ nhất năm 2022 xuống vị trí thứ 16/20 đơn vị năm 2023.

Cũng trong nhóm giảm điểm so với năm ngoái, điểm số trung vị chỉ số thành phần Chi phí không chính thức khối sở, ban, ngành năm 2023 là 5,61 điểm giảm 0,42 điểm so với năm 2022 (6,03 điểm), cho thấy mức độ mức độ cải thiện chỉ số thành phần Chi phí không chính thức của khối sở, ban, ngành trong năm qua được doanh nghiệp đánh giá chưa cao.

Trong chỉ số này, Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ nhất với 8,84 điểm, cho thấy tính ổn định ở chỉ số này khi năm 2022 thứ hạng chỉ số Chi phí không chính thức của Sở cũng tương đối cao. Ở chiều ngược lại, đơn vị đứng cuối là Chi cục hải quan với 2,81 điểm (giảm 1,12 điểm)…

Mối lo nằm ở các đơn vị nhóm an toàn

Dành lời chúc mừng, ghi nhận cho các đơn vị đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng, song Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương lại nhắc nhiều hơn tới các đơn vị “thường xuyên” đứng giữa bảng.

“Có vẻ như nhóm ở giữa ít động lực thay đổi nhất, như là ở nhóm an toàn. Tôi đã xem, thấy điện lực, bảo hiểm, thuế, công thương, xây dựng, ban quản lý các khu công nghiệp… toàn đứng giữa. Tôi đã giao nhiệm vụ, các đơn vị đứng cuối bảng phải thoát khỏi cuối bảng, nghĩa là sẽ phải đẩy ai đó xuống để vươn lên. Nhóm đầu cũng không thể chủ quan, nếu không sẽ có người khác vượt lên”, Chủ tịch Lê Ánh Dương phát biểu, ngay sau khi các thứ hạng DDCI sở ngành, địa phương của Bắc Giang được công bố.

Cũng phải nói thêm, Hội nghị công bố thứ hạng DDCI của Bắc Giang được tổ chức 1 ngày sau khi Bắc Giang công bố dự báo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, với nhiều thành tích đáng kể. Theo đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,45%, dẫn đầu cả nước và gấp 2,5 lần bình quân cả nước. Thu hút FDI đứng thứ 2 nếu tính số vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất…

“Rất vô lý là điểm trung vị trong bảng xếp hạng DDCI các sở, ngành lại giảm điểm. Các cơ quan, đơn vị phải mở hội nghị để phân tích, để mọi người đều thấy chứ không chỉ một vài người đi họp biết với nhau. Nếu không phân tích được thì mời chuyên gia phân tích, tranh luận rõ ràng”, ông Dương giao nhiệm vụ, với yêu cầu cụ thể là năm sau phải tốt hơn năm nay.

Trước đó, trong phân tích của Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Giang, ông Cường đã nhấn mạnh đến những chuyển biến về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Bắc Giang, nhưng vẫn không đạt như kỳ vọng. Điểm trung vị của DDCI năm 2023 chỉ tăng 3,69 điểm số với năm 2022 và đạt 60,8 điểm, đây là số điểm không cao.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng nhìn thấy sự thiếu quan tâm nhất định tới cải thiện điểm số và thứ hạng của nhóm đơn vị đứng giữa bảng.

Trong số các kiến nghị gửi tới UBND tỉnh Bắc Giang, đề nghị khắc phục ngay tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm; tình trạng đùn đầy giữa các sở, ban, ngành và địa phương; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” được các doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm,

Thêm nữa, Hiệp hội cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Kế hoạch 6 điểm để giữ ngôi đầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư về “áp lực của quán quân”DDCI năm 2023, bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết, nhờ những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư của Bắc Giang liên tục bứt phá, vươn lên đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển nhanh bền vững, áp lực không nhỏ, nhưng sẽ là động lực thực thi các nỗ lực cải cách.

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang nhận Chứng nhận DDCI năm 2023

6 nhiệm vụ được bà Thủy nhắc đến được xác định là ưu tiên trong năm tới.
Một là, nhất quán quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Mục tiêu quyết tâm phấn đấu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; duy trì thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Hai là, huy động các nguồn lực để tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trọng tâm hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển của khu vực; phát triển hạ tầng xã hội đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội cho người dân…
Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ..
Bốn là, tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. “Các cấp, các ngành thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp nhằm lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh để từ đó giải quyết triệt để”, bà Thủy nhấn mạnh. Cùng với đó, sẽ thực hiện chế độ công khai, minh bạch kết quả các giải quyết của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp, nhà đầu tư. ..
Năm là, tập trung cao, quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, khoáng sản và môi trường, đầu tư, xây dựng, lao động… đặc biệt triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình đầu tư xây dựng như: giải phóng mặt bằng, thiếu đất san lấp, xử lý chất thải xây dựng..
Sáu là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…