Năm 2024, tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức song với sự linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế của Bắc Giang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh dẫn đầu cả nước, tạo tiền đề để bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhiều điểm sáng
Năm nay, tỉnh phát triển kinh tế trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi, đặc biệt là bão số 3 xảy ra vào tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Với quyết tâm cao, tinh thần nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,85%, gấp 2 lần bình quân chung cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; quy mô GRDP đạt hơn 207 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực.
Khu vực sản xuất của Công ty TNHH Seojin Việt Nam, KCN Song Khê – Nội Hoàng (TP Bắc Giang). |
Trong các ngành kinh tế, sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng. Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm nay đạt hơn 684 nghìn tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm, đóng góp hơn 85% trong tổng tăng trưởng chung của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành công nghiệp phát triển mạnh ở lĩnh vực chế biến, chế tạo như: Sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử, máy tính, thiết bị di động… Giá trị sản xuất ở lĩnh vực này đạt hơn 678 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 99% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 27,7% so với năm trước.
Thực tế, trong tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) bán dẫn sản xuất linh kiện điện tử có doanh thu tăng trưởng mạnh. Điển hình như: Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu, Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, doanh thu đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 60,4% so với năm ngoái; Công ty TNHH Luxshare – ICT, KCN Vân Trung, doanh thu đạt hơn 98 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm trước… Các sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh như: Đồng hồ thông minh, tai nghe, máy tính xách tay, Ipad…
Cùng với công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn được hình thành như: Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam; sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên; sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở huyện Yên Dũng; chăn nuôi gà tại huyện Yên Thế… Tỉnh đã triển khai 86 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Với cách làm đó, năm nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh đạt 21,8 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ có ngành công nghiệp, nông nghiệp giữ ổn định, doanh thu từ một số ngành dịch vụ năm nay cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó có một số dịch vụ có doanh thu cao như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 5,5 nghìn tỷ đồng; dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt gần 7 nghìn tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động vận tải, kho bãi hơn 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước.
Đồng hành với nhà đầu tư
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã bám sát định hướng của T.Ư, tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. UBND tỉnh ban hành chương trình hành động, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, giao cho các sở, ban, ngành thực hiện; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phân cấp, phân quyền, giao vốn đầu tư công linh hoạt, kịp thời cho các sở, ngành, địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các dự án… Đáng chú ý, một trong các giải pháp tỉnh ưu tiên tập trung đó là tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Bắc Giang. |
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở thường xuyên đôn đốc và phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sở tham mưu với UBND tỉnh xem xét, kịp thời điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang dự án có khối lượng hoàn thành cao để giải ngân bảo đảm lộ trình, sớm quyết toán, đưa công trình vào sử dụng.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Trên cơ sở rà soát, đánh giá điều kiện thực tế, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%. |
Các huyện, thị xã, TP tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đối với các dự án đầu tư, tích cực tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các công trình. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Thế, quá trình giải phóng mặt bằng dự án cầu Đông Sơn thuộc địa bàn huyện Yên Thế dịp đầu năm nay còn gặp khó khăn do liên quan đến xác định nguồn gốc đất của một số hộ. Địa phương đã chủ động trao đổi với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có hướng tháo gỡ kịp thời. Nhờ đó, công trình đưa vào sử dụng đúng kế hoạch, góp phần giúp người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Không chỉ vậy, tỉnh ưu tiên nguồn lực xây dựng hàng loạt các công trình đường giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trước thực trạng nhiều DN thiếu lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp hỗ trợ DN tuyển dụng lao động. Một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với DN bị ảnh hưởng do bão lũ. Cục Thuế tỉnh rà soát gia hạn thời gian nộp thuế năm 2024 cho 1.356 DN với tổng số thuế 495 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều công ty có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên, Bắc Giang tiếp tục xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Song hành với các giải pháp này, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp… Qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế đề ra.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bắc Giang nâng tầm đô thị, mở hướng tương lai
Bắc Giang: Bầu đồng chí Nguyễn Thị Hương giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Việt Oanh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh
Khai thác lợi thế FTA, mở rộng thị trường xuất khẩu
Bắc Giang: Khơi thông nguồn lực, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế
Bắc Giang: Tạo sự đồng thuận, thống nhất về chủ trương sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy
Chân dung đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang
Chân dung đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang
Các đồng chí: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Việt Oanh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang