Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết về phát triển một số ngành dịch vụ trọng tâm, giai đoạn 2024-2030. Nghị quyết này được kỳ vọng tạo bước chuyển mạnh đưa dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Tại thị xã Việt Yên, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), công nhân cũng như chuyên gia làm việc lớn nhất tỉnh. Nắm rõ những lợi thế, ngày 25/3/2021, BTV Huyện ủy (nay là Thị ủy) Việt Yên ban hành Nghị quyết số 55-NQ/HU về phát triển dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 55). Đến nay các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ như: Hoàn thành đầu tư sân golf giai đoạn 1; hình thành 1 trung tâm thương mại (TTTM), 2 khách sạn từ 3-5 sao; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng bình quân 15%/năm.
Khách sạn Thiên Ân (thị xã Việt Yên) đạt tiêu chuẩn 4 sao. |
Xác định thu hút đầu tư thương mại dịch vụ phải được thực hiện từ nhiều nguồn vốn, đặc biệt từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, thời gian qua, UBND thị xã thu hút đầu tư đối với 5 dự án thương mại dịch vụ thuộc Khu dân cư thương mại Chợ Mới; khu B, Khu đô thị Đình Trám-Sen Hồ; TTTM dịch vụ hỗn hợp thuộc Khu đô thị mới phường Nếnh và 1 dự án thu hút bệnh viện đa khoa quy mô 300 giường chất lượng cao tại Khu dân cư đường Nguyễn Thế Nho, chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Căn cứ trên các quỹ đất sạch đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND thị xã đã và đang tiếp tục xây dựng phương án thu hút các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, thương mại dịch vụ, nhà ở thấp tầng và nhà ở cao tầng; phấn đấu hình thành một số khu vui chơi giải trí cao cấp, khu dịch vụ phức hợp có casino, cung cấp dịch vụ logistics và nhiều dịch vụ hiện đại khác với khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, khai thác có hiệu quả không gian du lịch văn hóa, lịch sử, hình thành Khu du lịch cấp tỉnh Tiên Sơn-Vân Hà; tuyến phố đi bộ, khu dịch vụ kinh tế ban đêm tại phường Bích Động…
Theo đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Việt Yên, mặc dù đạt được kết quả bước đầu, quá trình triển khai Nghị quyết, thị xã nhìn nhận vẫn còn những hạn chế. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển dịch vụ của thị xã chưa hình thành đồng bộ; chưa có hệ thống khách sạn, các khu điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn thu hút khách du lịch.
Mạng lưới và chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu của nhân dân, của các chuyên gia, lao động nước ngoài đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm làm du lịch xây dựng các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, đặc sắc có thể níu chân du khách.
Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngành dịch vụ của Bắc Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển dịch vụ chưa đồng bộ, chưa có hệ thống khách sạn, TTTM, trung tâm tổ chức sự kiện, các khu, điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn. Thực tế là nhiều chuyên gia làm việc tại tỉnh Bắc Giang nhưng nghỉ ngơi, tiêu dùng lại ở địa bàn khác.
Nguyên nhân là do chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ. Sự phối hợp, liên kết ngành, liên kết vùng để phát triển thương mại, dịch vụ chưa hiệu quả. Vì vậy, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm; bình quân hằng năm chỉ đạt 6-7%. Những năm 2019, 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng chỉ đạt lần lượt 2,8% và 3,9%; đến năm 2022, sau khi kinh tế được phục hồi sau dịch, song cũng chỉ đạt mức tăng 7,2%; năm 2023, tăng trưởng dịch vụ lại trở về mức bình quân hằng năm, đạt 6,8%.
Tạo bước chuyển mới
Để tạo bước chuyển mạnh cho phát triển dịch vụ, ngày 11/10/2024, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 371-NQ/TU về phát triển một số ngành dịch vụ trọng tâm, giai đoạn 2024-2030 (Nghị quyết 371) với quan điểm phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh. Theo đó, Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2024-2030 phấn đấu đạt khoảng 11%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 24-25%; phát triển các TTTM, tập trung tại các thành phố, thị xã, thu hút ít nhất 1 TTTM hiện đại. 100% các KCN thành lập mới đều có các khu dịch vụ tập trung…
Khu vực mua sắm tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Bắc Giang. |
Ở TP Bắc Giang, căn cứ tinh thần Nghị quyết 371, Thành ủy chỉ đạo quán triệt, phổ biến nội dung; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện. Cụ thể, TP quan tâm quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại. Phát triển đa dạng các kênh phân phối, loại hình kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng kho bãi Trung tâm Logistics quốc tế tại xã Song Khê và các chợ đầu mối. Tiếp tục xây dựng một số tuyến phố văn minh thương mại ở các phường: Trần Phú, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn. Xây dựng khu ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí và trình diễn nghệ thuật ban đêm. Dự kiến đến năm 2025, TP thu hút đầu tư xây dựng từ 5-8 dự án TTTM, siêu thị, trung tâm văn hóa, hội chợ, triển lãm, trung tâm Logistics, chợ đầu mối…
Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2024-2030 phấn đấu đạt khoảng 11%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 24-25%; phát triển các trung tâm thương mại, tập trung tại các thành phố, thị xã, thu hút ít nhất 1 TTTM hiện đại… |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, thực hiện Nghị quyết cần thí điểm bố trí một số tuyến phố phát triển kinh tế đêm đã hình thành hiện hữu tại TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và một số huyện nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lí, nguồn lực xã hội, thói quen tiêu dùng của cộng đồng dân cư, du khách đến Bắc Giang. Qua đó, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, vừa nâng cao nhận thức về bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự.
Tiếp tục thu hút dự án dịch vụ thương mại lớn, tạo điểm nhấn trong phát triển dịch vụ thương mại (khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…); tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các định hướng chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ vào địa bàn tỉnh; giới thiệu những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn của tỉnh tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Hằng năm tổ chức hội chợ thương mại công nghiệp quy mô quốc tế để thu hút các nhà đầu tư, du khách đến Bắc Giang giới thiệu, kết nối các sản phẩm công nghiệp mới, kết hợp du lịch và sử dụng các dịch vụ tại tỉnh. Đồng thời, tổ chức các sự kiện thúc đẩy tiêu dùng: “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday năm 2024”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Ngày thương hiệu Việt Nam”; “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao của tỉnh…
Mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước nhưng dịch vụ vẫn là “vùng lõm”. Nghị quyết 371 được ban hành như một “làn gió mới” kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh cho phát triển dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hình ảnh nồi cháo thứ 46 do Bưu điện tỉnh Bắc Giang ủng hộ
Việt Nam có thể đón cơ hội vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn
Bắc Giang thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước
Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả
Tập đoàn Foxconn sẽ rót thêm 80 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất chip
Bắc Giang phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp – Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư
Chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc