Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương; Ban Dân tộc tỉnh và huyện Lục Ngạn.
Đoàn công tác đã khảo sát tại xã Hộ Đáp (Lục Ngạn), địa bàn có hơn 1 nghìn hộ dân, trong đó 75,5% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, 130 hộ nghèo (tỷ lệ 12,3%), 213 hộ cận nghèo (tỷ lệ 20,1%). Xã có 5/6 thôn nằm ven hồ Cấm Sơn, hơn 97% lao động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.
Năm 2022, xã thực hiện các dự án nằm trong chương trình MTQG gồm: Hỗ trợ xây nhà cho 8 hộ dân; đào tạo chuyển đổi nghề cho 23 hộ (hỗ trợ mua máy móc, công cụ hỗ trợ sản xuất); đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Hộ Đáp; xây nhà lớp học khu trung tâm và nhà lớp học khu lẻ thôn Cái Cặn; duy tu, bảo dưỡng sửa chữa Trường Mầm non khu trung tâm.
Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức đi học tập kinh nghiệm cho Ban quản lý các chương trình MTQG xã, thôn đi học tập tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng); thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí NTM…
Các đại biểu ở xã và huyện đã nêu một số vấn đề như: Một số người dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ Nhà nước đầu tư cho không. Ngân sách hỗ trợ cho dự án còn hạn chế so với nhu cầu dẫn đến khó khăn trong việc bình xét hỗ trợ cho các hộ dân. Việc lồng ghép các chương trình MTQG còn thiếu hướng dẫn cụ thể của T.Ư.
Một số ý kiến đề xuất trong điều kiện không thể lồng ghép được các chương trình cần nâng cao mức hỗ trợ đầu tư cho các dự án, có cơ chế bảo đảm không để chồng chéo giữa các nguồn vốn. T.Ư tiếp tục có cơ chế hỗ trợ nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước nói chung, vùng sản xuất vải thiều huyện Lục Ngạn nói riêng. Tháo gỡ khó khăn để việc lồng ghép, triển khai đồng bộ cả 3 chương trình MTQG được thuận lợi, ưu tiên đồng bào vùng cao, đặc biệt khó khăn. Tăng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cải thiện hạ tầng nông thôn, gắn với đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, nâng định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ. Chỉ đạo các cơ quan T.Ư giao kế hoạch vốn hoặc thông báo dự kiến kế hoạch vốn hằng năm sớm (trước ngày 15/11 hằng năm) để các địa phương kịp tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét thông qua, quyết định giao kế hoạch xong trước ngày 31/12 theo quy định.
Về tình hình sản xuất vải thiều, Bắc giang có vùng sản xuất vải thiều tập trung, với diện tích 29,7 nghìn ha, chiếm 54,8% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh và lớn nhất toàn quốc, sản lượng vụ này ước hơn 180 nghìn tấn (riêng huyện Lục Ngạn hơn 17 nghìn ha, sản lượng 98 nghìn tấn). Hiện nay, Bắc Giang duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã số vùng trồng, diện tích 460 ha, nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, diện tích hơn 17 nghìn ha; sản lượng ước đạt hơn 100 nghìn tấn phục vụ xuất khẩu.
Đối với công tác tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ trong việc mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm vải thiều xuất khẩu sang các thị trường mới; kết nối, quảng bá, tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động thương mại, sàn thương mại điện tử.
Tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng mô hình chuyển đổi số và liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều; hỗ trợ kiểm soát chất lượng, kiểm dịch thực vật, tiếp cận thông tin thị trường, các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, kiến nghị để tiếp tục nghiên cứu tham mưu với Bộ trưởng trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tìm ra và đề xuất những mô hình, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất vải thiều kết hợp du lịch ở HTX Sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn, thôn Chão, xã Giáp Sơn. Tại đây, Bộ trưởng đánh giá cao tiềm năng cũng như ý tưởng, cách làm du lịch của HTX và các hộ dân. Đồng thời đề nghị địa phương, doanh nghiệp lữ hành và người dân cần quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch.
Quan tâm tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn, dễ vận chuyển để cung cấp cho du khách. Bộ trưởng khẳng định làm du lịch miệt vườn giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tạo ra được nhiều cảm xúc, trải nghiệm ý nghĩa. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mùa vải thiều, góp phần quảng bá và phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Lê Ánh Dương biểu dương cách làm sáng tạo, nhiều nét mới của doanh nghiệp lữ hành cũng như HTX Sản xuất nông nghiệp du lịch sinh thái Giáp Sơn. Đồng thời cho biết tỉnh Bắc Giang sẽ có những tổng kết đánh giá mô hình và hỗ trợ giúp các địa phương nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình kết hợp sản xuất vải thiều với du lịch.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc
UBND huyện Lục Ngạn: Gặp mặt kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024)
Một số hình ảnh các sở, ngành của tỉnh chúc mừng 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường
UBND huyện Tân Yên: Gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam
Hội Doanh nghiệp huyện Yên Dũng gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên
Đại hội Hội Doanh nghiệp huyện Lục Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029 và Gặp mặt nhân kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024)