Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Thống đốc Tokyo thưởng thức ẩm thực Việt Nam tại nhà hàng bánh mì của hai cựu lưu học sinh gốc Quảng Nam ở thủ đô Nhật.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thống đốc Tokyo Koike Yuriko thưởng thức bánh mì tại nhà hàng. |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân, Thống đốc Tokyo Koike Yuriko và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản sáng nay đến nhà hàng “Bánh mì Xin chào” ở Tokyo, thưởng thức các món ăn Việt Nam như bánh mì, mì quảng, phở, cà phê, gỏi cuốn, chè.
“Bánh mì Xin chào” là nhà hàng do hai cựu lưu học sinh Việt Nam Bùi Thanh Duy, 37 tuổi, và Bùi Thanh Tâm, 32 tuổi, thành lập tháng 10/2016. Với khẩu hiệu “Nếm bánh mì, nếm hương vị Việt Nam”, nhà hàng của hai anh em ruột gốc Quảng Nam đã phát triển thành chuỗi 15 cơ sở khắp Nhật Bản.
“Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, người Việt Nam đã rất quen thuộc với sushi, mì ramen, món chiên tempura, rượu sake. Trong khi đó, người Nhật Bản luôn nhớ đến Việt Nam qua hình ảnh bánh mì, phở, gỏi cuốn, cà phê… Chính những nét tương đồng này đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa hai quốc gia, nhân dân hai nước”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Chủ tịch nước vui mừng và tự hào khi được thưởng thức ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản và nhiều người Việt trẻ học hỏi, nỗ lực để nắm bắt cơ hội phát triển, giúp mưu sinh cho bản thân, tạo ra công ăn việc làm và giá trị mới tại Nhật Bản, quảng bá văn hóa Việt Nam, gắn kết người dân hai nước qua văn hóa ẩm thực.
Chủ tịch nước nhắc đến việc Việt Nam và Nhật Bản ngày 27/11 tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tin rằng đây là dấu mốc quan trọng mở ra chương mới trong phát triển quan hệ hai nước.
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hiện khoảng 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại quốc gia này. Chủ tịch nước chúc cộng đồng người Việt đạt nhiều thành công trong cuộc sống, hoạt động kinh doanh, tiếp tục góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Thống đốc Tokyo tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống, học tập tại đây. Sau khi bà Koike giới thiệu Tokyo có hệ thống chống ngập lụt và công nghệ trong lĩnh vực này, Chủ tịch nước đề nghị Thống đốc thúc đẩy hợp tác chia sẻ kinh nghiệm phòng chống hỏa hoạn và chống ngập lụt với thành phố Hà Nội và với các địa phương Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đang trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của nhà nước Nhật Bản ngày 27-30/11.
Việt Nam – Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973 và xác lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009. Vào năm 2014, hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đã hai lần mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu 23,4 tỷ USD.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Muốn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phải định danh qua VneID?
Quỹ từ thiện của doanh nghiệp tỉnh sưởi ấm người bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số