Trong một cuộc cải tổ đầy bất ngờ, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Joseph Tsai, một người bạn tâm giao lâu năm của tỷ phú đồng sáng lập Jack Ma vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị thay thế ông Daniel Zhang sau 8 năm đương nhiệm.
Ông Joseph Tsai sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT của Alibaba thay ông Daniel Zhang. |
Trong khi đó, ông Eddie Wu, hiện là Chủ tịch phụ trách các đơn vị thương mại trực tuyến cốt lõi của Alibaba là Taobao và Tmall, sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của tập đoàn trị giá 240 tỷ USD này.
Sự ra đi bất ngờ của Chủ tịch HĐQT Zhang diễn ra sau khi Alibaba công bố tái cấu trúc “chẻ nhỏ” thành 6 công ty để thử thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra một nhóm các nhà lãnh đạo độc lập trong các doanh nghiệp từ điện toán đám mây và hậu cần đến thương mại quốc tế.
Ngay sau khi Alibaba công bố quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng doanh thu ở mức một con số, Chủ tịch Zhang đã công bố tầm nhìn tương lai của tập đoàn, lo ngại sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc có thể còn xa hơn dự đoán.
Sau khi công bố sự thay đổi trong nhân sự cấp cao, cổ phiếu của Alibaba đã giảm hơn 1% vào chiều 19/6.
“Điểm tốt ở đây là cả CEO và Chủ tịch mới đều là những người đồng sáng lập công ty và là những người thân cận nhất với tỷ phú Jack Ma. Điều đó có nghĩa Jack Ma vẫn là nhà lãnh đạo tinh thần của Alibaba. Tôi không nghĩ rằng sự thay đổi quản lý báo hiệu một sự thay đổi chiến lược lớn”, Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại KGI Asia, cho biết.
Ông Zhang sẽ vẫn là người đứng đầu mảng kinh doanh đám mây. Ông nắm quyền lãnh đạo vào năm 2015 sau khi được người trong ngành biết đến với tư cách là một trong những kiến trúc sư nghĩ ra sáng kiến “bán lẻ mới” của Alibaba, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến, đồng thời mở rộng sự thống trị của công ty sang các lĩnh vực từ trung tâm thương mại đến siêu thị. Zhang trở thành chủ tịch HĐQT vài năm sau đó khi tốc độ tăng trưởng của Alibaba tăng mạnh và đã có lúc Alibaba trở thành công ty giá trị nhất Trung Quốc.
Năm 2020, chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát lĩnh vực công nghệ thuộc sở hữu tư nhân, cáo buộc Alibaba có hành vi độc quyền trước khi đưa ra mức phạt kỷ lục đối với các vi phạm bị cáo buộc.
Kể từ đó, tập đoàn không bao giờ lấy lại được tốc độ tăng trưởng thần tốc trước đó, đặc biệt là khi những công ty mới tham gia như ByteDance và PDD đã chiếm lấy thị phần trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Alibaba.
Về Giám đốc điều hành Eddie Wu, ông là người đồng sáng lập Alibaba và được ghi nhận là người đã giúp phát triển nền tảng quảng cáo kỹ thuật số Alimama và Alipay giống như PayPal. Việc Alibaba bổ nhiệm ông Eddie Wu, Chủ tịch hiện tại của Tập đoàn Taobao và Tmall, phản ánh khả năng đóng góp của các đơn vị này cho công ty mẹ sẽ tăng lên.
Ngoài mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, Alibaba cũng đang phải hứng chịu những bất ổn kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc. Sự phục hồi sau Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại, một phần bị hạn chế bởi những nỗ lực của Washington trong khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng.
Willer Chen, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Forsyth Barr Asia, nhận định: “Động thái mới nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc là đưa ban lãnh đạo cũ của Alibaba trở lại sân khấu. Không chắc liệu đó có phải là hành động mang lại lợi ích cho Alibaba hay không vì điều quan trọng bây giờ là các động lực tăng trưởng mới và kế hoạch tái cơ cấu”.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang