Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) và xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và những bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, TMDV của tỉnh vẫn có mức tăng trưởng khá, đặc biệt, kim ngạch xuất, nhập khẩu luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhiều dự án thương mại hiện đại
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,8%/năm, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 6,3%/năm. Hàng hóa phong phú, đa dạng; các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp (DN), người dân được duy trì, bảo đảm nhu cầu.
Siêu thị GO! thu hút đông đảo người tiêu dùng. Ảnh: Đại La. |
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở Công Thương đã phối hợp rà soát khu vực, vị trí để hoàn thiện các điều kiện, công bố thu hút đầu tư hạ tầng TMDV nhằm hình thành các khu dịch vụ tập trung.
Với sự phát triển nhanh về kinh tế, mức sống của người dân được nâng lên khiến nhu cầu mua sắm từ các loại hình bán lẻ hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn ngày càng tăng. Điều này đã tạo điều kiện cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn phát triển. Đến nay, ngoài chợ truyền thống, toàn tỉnh đã có 5 trung tâm thương mại. Bên cạnh đó còn hàng trăm khu TMDV, cửa hàng tự chọn tại các địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của Bắc Giang tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,8%/năm, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 6,3%/năm. |
Nắm bắt xu thế cũng như đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, một số huyện, TP đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các dự án TMDV. TP Bắc Giang đã thu hút được 12 nhà đầu tư lĩnh vực dịch vụ, tạo điểm nhấn mới, nổi bật là dự án Trung tâm thương mại thuộc dự án Vinhomes Sky Park Bắc Giang. Trong trung tâm này dành nhiều tầng làm chức năng TMDV tổng hợp hiện đại.
Đến nay, các khu thương mại đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Huyện Việt Yên đã tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, khởi công xây dựng 4 khu TMDV tổng hợp… Tới đây, dự kiến có một trung tâm thương mại của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẽ đầu tư xây dựng tại Bắc Giang. Các dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ hình thành khu TMDV mới, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; thúc đẩy giao thương, tạo thêm động lực cho phát triển KT-XH.
Thích ứng với từng thị trường
Cùng với thu hút đầu tư, xây dựng các dự án TMDV, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được triển khai hiệu quả, từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; kết nối với nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Sản xuất các sản phẩm bán dẫn tại Công ty TNHH Hana Micron Vina. Ảnh: Thế Đại. |
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD; ước bình quân giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 tăng trưởng 34,3%/năm (vượt mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 tỷ USD). Các đối tác thương mại lớn nhất của DN trong tỉnh đến từ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha… với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Hàng dệt may, da giày; máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo…
Một điểm đặc biệt là các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ làm gia tăng giá trị sản xuất mà còn góp phần chuyển dịch kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng theo hướng xuất siêu, tạo bước phát triển vững chắc cho nền kinh tế.
Có thể thấy, TMDV đã có bước tiến dài. Để giữ đà tăng trưởng, thời gian tới cần hướng đi cụ thể cho từng thị trường. Đối với thị trường nội địa phải làm tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; thu hút các dự án dịch vụ, thương mại tổng hợp, chợ tổng hợp, logistics, cảng cạn để phục vụ cả thị trường trong nước và xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối, loại hình kinh doanh; thúc đẩy hình thành các kênh phân phối chuyên nghiệp; tạo lập hệ thống bán buôn, bán lẻ, phân bố hài hòa trên địa bàn, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, hướng dẫn các DN tiếp cận, tận dụng các lợi thế do các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN như: Khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiết kiệm năng lượng; chống gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu cần triển khai có hiệu quả kế hoạch về chiến lược xuất, nhập khẩu của tỉnh, xác định mặt hàng thế mạnh. Thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, về cơ chế, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu của các nước, về phòng vệ thương mại, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa để DN xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng thị trường. Hỗ trợ nhiều hơn các DN trong tỉnh tiếp cận các DN FDI lớn, mũi nhọn để kế thừa kinh nghiệm, kỹ năng giao thương quốc tế để thay đổi chiến lược, tầm nhìn cho các DN của tỉnh, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển