Sáng 19/7, chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu người đứng cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quyết liệt hơn trong chỉ đạo chuyển đổi số với “5 trọng tâm”, trên tinh thần là “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” gắn với “5 không”.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương thảo luận, đánh giá tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số thời gian tới, nhất là trong việc xây dựng, kết nối dữ liệu; ứng dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý hành chính, điều hành; phát triển hạ tầng số; hướng dẫn thực hiện các quy định, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số…
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. |
Hội nghị đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở; nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực.
Chính phủ số tiếp tục có bước phát triển, với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh, có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với giá trị đạt 117,3 tỷ USD năm 2023; doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin năm 2023 đạt 13 tỷ USD; nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel, Canon, Foxconn, Goertek, Amkor… và cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư như Nvidia, Apple…, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chíp bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo…
Số hóa các ngành kinh tế được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các bộ, ngành, doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023; thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%, có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money; chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội… Các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng như: dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo… đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu được tăng cường; hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, với 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó, Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193, Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu về những kết quả đạt được, những điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo trong công tác chuyển đổi số.
Nêu rõ các cơ sở chính trị và thực tiễn của công tác chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, bài bản, bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Kết quả mang lại thiết thực, người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn.
“Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Chuyển đổi số rất phù hợp với phẩm chất, năng lực người Việt Nam là cần cù, ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo”, Thủ tướng chỉ rõ.
Bên cạnh đánh giá cao các thành tựu đạt được, chỉ rõ 8 tồn tại, hạn chế các bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thời gian tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện chuyển đổi số bao trùm, tổng thể với “5 trọng tâm”: phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế số, Chính phủ số; phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý điều hành phải số hóa và ứng dụng trí tuệ thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin – cho, chống tiêu cực tham nhũng.
Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi số với tinh thần là 5 “đẩy mạnh”, 5 “bảo đảm” gắn với 5 “không”. Trong đó, “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; Đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
Thủ tướng chỉ rõ “5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; Bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; Bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; Bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kĩ năng số gắn với nhu cầu thị trường; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Việc thực hiện “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” phải gắn với “5 không”: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; Không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng chống tham nhũng; Không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; Không tiếp xúc, hạn chế giao dịch trực tiếp; hướng tới tự động hóa, sản xuất thông minh.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiên phong, gương mẫu để thúc đẩy chuyển đổi số theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo, quản lý, với quyết tâm cao nhất, “đã quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn, cố gắng rồi phải cố gắng hơn, nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn, hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn”, “phân công công việc rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi”; tăng cường phối hợp; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến cuối năm 2024, tất cả các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến tháng 6/2025, từ chuyên viên đến lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên viên, lãnh đạo UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030″.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Việt Nam thành Trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu
TS. Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Vinasme: Thuế suất ưu đãi 15-17% chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Quỹ ADIA 830 tỷ USD muốn tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
Sửa Luật Đầu tư công: Khơi thông nguồn lực để tăng trưởng kinh tế
BIDV Chi nhánh Bắc Giang: Nỗ lực kinh doanh, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội
Công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thay thế trong lĩnh vực nhà ở
Giải ngân vốn đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm
Hàng nghìn doanh nghiệp tham gia chương trình “Doanh nghiệp học tập – Quốc gia học tập”