Ngày 16/6, tại thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.
Tỉnh Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh tham dự.
Diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới biết và tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được mùa, sản lượng khoảng 320.000 tấn. Trong đó, Bắc Giang – vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích hơn 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng đạt 60.000 tấn.
Tại diễn đàn, một số đại biểu đánh giá vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, trong khi sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường và đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi. Đặc biệt, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho rằng, sự kiện “Vải thiều Việt Nam vươn tầm thế giới” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Bắc Giang cũng như tỉnh Hải Dương. Đây là một hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương rất thiết thực, góp phần quảng bá sâu rộng vải thiều Việt Nam tới các tổ chức quốc tế và hướng đến chinh phục thị trường thế giới.
Đồng chí cho biết, Bắc Giang được mệnh danh là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, diện tích khoảng 28.000 ha. Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia). Là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Có thể thấy, vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội để vươn tầm thế giới. Để làm được việc đó, tỉnh Bắc Giang luôn cùng người dân trồng vải đồng lòng, thống nhất trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
.
Năm nay thời tiết thuận lợi nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt. Với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước và đến nay có thể khẳng định: Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay.
Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá thành cao. Đến hôm nay, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn; trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40% (xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia…)
Tại diễn đàn hôm nay, tỉnh Bắc Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều. Đồng chí đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành với tỉnh Bắc Giang trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về chất lượng, thương hiệu vải thiều Việt Nam nói chung và vải thiều Bắc Giang nói riêng đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần giúp vải thiều Bắc Giang “chinh phục thị trường nước ngoài” và “vươn tầm thế giới”; kết nối, mời gọi các đơn vị khảo sát, tìm hiểu, thu mua vải thiều Bắc Giang.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, hợp tác xã sản xuất vải thiều và doanh nghiệp xuất khẩu vải thảo luận về quy trình trồng, chăm sóc vải thiều sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều với chủ đề “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam”. Trong đó, tập trung thảo luận về định hướng vùng trồng vải an toàn tại các địa phương cũng như hiện thực hóa mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều; giải pháp phát triển bền vững vải thiều; sự vào cuộc, chung tay tiêu thụ vải thiều; quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu đặc sản vải thiều đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế; quy trình trồng trọt, chăm sóc vải thiều sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều;…
Tại đây, các đại biểu tham gia khai mạc triển lãm số và gian hàng số giới thiệu về sản phẩm vải thiều nói riêng và một số sản phẩm nông sản khác nói chung.
Trước đó, các đại biểu đã tham quan, nếm thử trái vải, nhiều đại diện đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao trái vải của Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng; đồng thời gợi mở một số giải pháp đưa vải thiều xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, khu vực Trung Đông…
Theo bacgiang.gov.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thị xã Việt Yên: Chú trọng nâng chất lượng quy hoạch
Hình ảnh nồi cháo thứ 52 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Đoàn công tác HĐND tỉnh Bắc Giang làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia
Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Lục Nam: Đưa OCOP đến gần hơn người tiêu dùng
Bắc Giang: Thu ngân sách từ doanh nghiệp FDI vượt mục tiêu
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 5, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 4, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 3, đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang