Doanh nghiệp xuất khẩu: Tăng tốc sản xuất, tạo đà bứt phá

Thứ Hai, 8 Tháng Một, 2024 113 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 6 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu với hơn 27,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm trước và là tỉnh duy nhất của cả nước xuất siêu trong năm 2023. Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, ngay từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó, tăng tốc sản xuất, bảo đảm theo đơn hàng đã ký.

Ký nhiều đơn hàng mới

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang (TP Bắc Giang) chuyên sản xuất giấy Tissue và Posy. Những ngày đầu năm 2024, tại đây có hàng trăm công nhân đang tất bật làm việc bên các dây chuyền sản xuất giấy . Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách trong và ngoài nước, hai năm gần đây, DN đầu tư gần 200 tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền, máy móc hiện đại đưa vào vận hành. Năm 2023, Công ty xuất khẩu 30 nghìn tấn giấy các loại sang thị trường các nước: Mỹ, Anh, Singapore, Malaysia…, kim ngạch xuất khẩu đạt 37 triệu USD.

Khu vực sản xuất giấy của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang tại KCN Song Khê – Nội Hoàng.

Ông Ngô Văn Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Công ty vừa ký hợp đồng xuất khẩu 4,5 nghìn tấn giấy với khách hàng ở các nước: Mỹ, Úc, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Trong đó, riêng tháng 1/2024, đơn vị dự kiến xuất khẩu gần 2,3 nghìn tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,4 triệu USD, còn lại là xuất khẩu vào tháng 2. Kế hoạch năm 2024, đơn vị xuất khẩu 36,5 nghìn tấn giấy, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 38 triệu USD.

Tương tự, những ngày này, trong các khu nhà xưởng của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LNG (Lục Nam) có hàng nghìn công nhân hối hả hoàn thiện sản phẩm quần, áo Jacket để kịp cung cấp cho đối tác theo đơn hàng đã ký. Thị trường xuất khẩu quần áo của DN chủ yếu là các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Theo ông Hoàng Văn Lược, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, đầu tháng 1/2024, Công ty đã ký khoảng 60 đơn hàng mới với đối tác nước ngoài. Ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, DN đã xuất khẩu khoảng 20 lô hàng sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trị giá hơn 250 nghìn USD. Hiện nay, Công ty đang khẩn trương hoàn thiện khu nhà xưởng mới và lắp đặt thêm 10 dây chuyền để vận hành ngay trong quý I nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; nỗ lực tìm kiếm thị trường để ký thêm đơn hàng mới, phấn đấu cả năm xuất khẩu hơn 8 triệu sản phẩm, giá trị kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 110 triệu USD, cao hơn so với năm 2023.

Không chỉ các DN trong nước, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở các khu công nghiệp (KCN) cũng tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm với nhiều đơn hàng mới. Các Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung); Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Công ty TNHH Siflex Việt Nam (cùng ở KCN Quang Châu)… đang duy trì sản xuất đáp ứng yêu cầu đơn hàng đã ký với đối tác.

Theo Sở Công Thương, thị trường xuất khẩu chủ yếu của các DN trên địa bàn tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ với các mặt hàng chính là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, hàng dệt may…

Giữ vững đà tăng trưởng

Được biết, tháng 2/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu nhằm phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 25-27%/năm; giai đoạn 2026 – 2030, tăng trưởng bình quân 12-13%/năm.

Dây chuyền sản xuất xe máy điện của Công ty TNHH Eletric Motorcycle Yadea Việt Nam, KCN Quang Châu.

Điểm nổi bật, năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 27,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm trước, đứng thứ 6 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu, lần đầu tiên vượt tỉnh Đồng Nai. Đồng thời là tỉnh duy nhất của cả nước xuất siêu trong năm 2023. Kết quả xuất siêu của tỉnh thể hiện tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Theo dự báo, năm 2024, xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn năm 2023 song vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Do đó, để giữ đà tăng trưởng và đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 33 tỷ USD trong năm nay, giải pháp then chốt được tỉnh tập trung là yêu cầu các ngành, địa phương liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 33 tỷ USD trong năm 2024 theo kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.

Theo đó, ở lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung thu hút các dự án FDI; khuyến khích các dự án sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh nông nghiệp.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, Sở tăng cường thông tin diễn biến của thị trường thế giới và phân tích tác động tới ngành hàng, DN, nhất là các DN FDI để định hướng sản xuất. Bởi đây là các DN FDI có đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thời gian qua. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài kịp thời cung cấp, xử lý các vướng mắc, khiếu nại về xuất khẩu cho DN; đẩy mạnh kết nối cung cầu, hỗ trợ DN xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản chủ lực…

Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, TP phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, nhất là KCN Hòa Phú (Hiệp Hoà) mở rộng, KCN Yên Lư (Yên Dũng). Rút ngắn thủ tục hành chính giúp DN tiếp cận đất đai nhanh chóng. Song hành với các giải pháp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Các KCN tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất.

Về phía các DN, nhiều công ty đang nỗ lực tìm kiếm và phục hồi lại các đơn hàng với đối tác truyền thống nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Theo Báo Bắc Giang