Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, 2023 122 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 27/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực TN&MT. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, hội: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản tỉnh và khoảng 50 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; bố trí cán bộ có chuyên môn, năng lực trực, tiếp nhận giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa; rà soát, thống kê các TTHC không còn phù hợp, bất cập, từ đó tham mưu, sửa đổi, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục, đồng thời giảm thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Lãnh đạo Sở TN&MT chủ trì buổi đối thoại.

Hiện nay, lĩnh vực TN&MT đang thực hiện 89 TTHC, trong đó 11 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 78 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần.

Năm 2023, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện rà soát đối với 100% TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, cắt giảm thời gian giải quyết 1 thủ tục, cắt giảm các bước giải quyết tái cấu trúc quy trình nội bộ 10 TTHC; rà soát đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung mức phí/lệ phí đối với 94 TTHC.

Cùng đó, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC mới ban hành, thủ tục bị bãi bỏ đối với 8 lĩnh vực quản lý. Tỷ lệ hồ sơ trả đúng và trước hạn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt 99,3%; tại hệ thống văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và chi nhánh 10 huyện, TP là 95,7%.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Đại diện các DN đánh giá cao những nỗ lực của Sở TN&MT, các sở, ngành liên quan trong thực hiện cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các DN, chủ đầu tư thực hiện các công trình, dự án.

Một số ý kiến đề nghị Sở TN&MT, các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm tham mưu, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số quy định chưa phù hợp, còn bất cập trong lĩnh vực đất đai, cấp phép, quy hoạch, quan trắc môi trường… Trong đó, nội dung các DN, chủ đầu tư quan tâm nhiều nhất vẫn là các vướng mắc trong cấp phép khai thác khoáng sản, cấp phép mở bến, bãi; sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước…

Ông Phạm Đình Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc sông Thương cho rằng quy định trong một số văn bản về việc xác định ranh giới cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước chưa thống nhất, gây khó khăn cho thực hiện; từ đó, đề nghị Sở TN&MT xem xét, có hướng dẫn cụ thể.

Ông Phạm Đình Nam nêu ý kiến.

Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Việt Tiến (Việt Yên) đề nghị không cấp giấy phép khai thác mạch nước ngầm cho các DN thứ cấp tại cụm công nghiệp để bảo đảm việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tại các khu vực này tiết kiệm, hiệu quả.

Đáng chú ý, tại hội nghị này, đại diện Công ty TNHH Đức Hồng Phúc tiếp tục nêu lại các ý kiến đã đề nghị ở cuộc đối thoại trước nhưng chưa được tháo gỡ giải quyết, đó là: Khó khăn trong cấp phép bến tạm; cấp phép khai thác mỏ đất và việc không thuê được đất đối với dự án đã được cấp phép để tiến hành khai thác theo quy định.

Cụ thể, DN này trúng đấu giá mỏ đất ở thôn Tòng Lệnh 3, xã Trường Giang (Lục Nam) và được cấp phép khai thác 5 tháng nhưng không thể khai thác do mỏ không có lối đi đường bộ, chỉ có đường sông. DN đã gửi công văn đến UBND tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải về việc xin cấp phép mở bến tạm; tỉnh đã có văn bản giao cho huyện nhưng đến nay, phòng chuyên môn huyện Lục Nam vẫn chưa có văn bản hướng dẫn giúp DN làm thủ tục mở bến tạm. Ngoài ra, DN cũng phản ánh việc trúng đấu giá mỏ đất tại xã Đại Lâm từ năm 2020, việc được cấp phép khai thác mỏ đất sét từ năm 2016 nhưng do vướng quy hoạch, không thuê được đất nên dự án đến nay không thể triển khai.

Phát biểu tại đây, đại diện Hiệp hội Bất động sản tỉnh khẳng định, nhiều TTHC lĩnh vực TN&MT đã rút gọn, tạo thuận lợi hơn cho DN. Đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đề nghị các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung quy định điều kiện kinh doanh đất ở thương phẩm và nhà ở thương phẩm cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn tạo thuận lợi cho các DN trong lĩnh vực này.

Trước các ý kiến DN đưa ra, đại diện một số phòng chuyên môn của Sở TN&MT, các sở, ngành liên quan đã trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải thích nội dung DN quan tâm, như các khó khăn trong việc thực hiện công trình, dự án liên quan đến việc chưa thống nhất về quy hoạch; giải thích làm rõ quy định về cắm mốc giới bảo vệ nguồn nước; các TTHC về đất đai… Đối với các ý kiến còn lại, Sở TN&MT hứa sẽ xem xét, giải quyết trả lời DN hoặc chuyển sở, ngành liên quan nghiên cứu, tháo gỡ, hồi âm cho DN trong thời gian tới.

Theo Báo Bắc Giang