Những năm qua, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, qua đó giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường, tăng thu nhập.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu
Tháng 5/2022, UBND tỉnh ban hành Đề án “HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025”. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với chủ thể sản xuất, các cấp HND đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.
Nấm đông trùng hạ thảo được sản xuất tại HTX nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên. |
Năm 2023, HND huyện Yên Thế được HND tỉnh giao chỉ tiêu xây dựng 1 sản phẩm OCOP 3 sao. HND huyện đã khảo sát, đăng ký xây dựng mới 3 sản phẩm gồm: Bưởi ngọt của Hợp tác xã (HTX) bưởi ngọt Trung Sáu (xã An Thượng), bánh khẩu sli của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú (xã Hồng Kỳ), lạp sườn gác bếp Cao Lan của HTX nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan (xã Xuân Lương). Hiện UBND huyện Yên Thế đang chấm điểm, đánh giá nhiều sản phẩm bảo đảm các tiêu chí đề ra và dự kiến sẽ công bố kết quả trong tháng 11/2023.
Ông Phạm Như Trung, Giám đốc HTX bưởi ngọt Trung Sáu cho biết: “Đây là lần đầu tiên HTX đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP nên gặp khá nhiều khó khăn về thực hiện các tiêu chuẩn, câu chuyện sản phẩm, thiết lập hồ sơ. Được HND tỉnh, huyện hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn, HTX dần tháo gỡ từng vướng mắc. Như việc xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, sau nhiều lần điều chỉnh, chuyện về trái bưởi ngọt đã hoàn thiện, truyền tải được thông điệp về một loại trái cây có vị ngọt đặc trưng, “giòn tôm, ráo múi”, trồng theo hướng hữu cơ, cho năng suất cao. Năm 2016, gia đình ông Trung là hộ nghèo. Nhờ cây bưởi ngọt, chỉ một năm sau, hộ này đã thoát nghèo, bỏ túi từ 400-600 triệu đồng/năm”.
Năm nay, HND huyện Yên Dũng cũng hướng dẫn, hỗ trợ 11 chủ thể xây dựng mới sản phẩm OCOP 3 sao. Đại diện các HTX được tham gia nhiều buổi tập huấn, tư vấn về phát triển ý tưởng sản phẩm; tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm, cách thức triển khai, vận hành chương trình OCOP; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu…
Bà Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên (xã Tư Mại) chia sẻ: “Nhờ HND các cấp hướng dẫn, mới đây, sản phẩm đông trùng hạ thảo khô của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Trước đây, HTX bán lẻ là chủ yếu. Khi xây dựng thành công thương hiệu, chúng tôi có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng”. Bà Uyên cũng mong muốn thời gian tới, được hỗ trợ kinh phí để mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc; tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại.
Chú trọng nâng chất lượng sản phẩm
Thực hiện Đề án, các cấp HND đã đẩy mạnh tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hội, HTX và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Trên cơ sở sản phẩm thế mạnh, chủ lực, tiềm năng của 10 huyện, TP, HND tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển Dược khoa (Hà Nội) khảo sát, đánh giá, lựa chọn các sản phẩm có khả năng đạt OCOP để tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Năm 2022, toàn tỉnh có 22 sản phẩm do các cấp HND hướng dẫn được công nhận OCOP. Năm 2023, HND các cấp khảo sát, tư vấn trực tiếp cho 32 sản phẩm; kết thúc đợt 1 đã có 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. |
Nội dung tập trung vào tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phân tích sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì, nhãn mác; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng. Kết quả năm 2022, toàn tỉnh có 22 sản phẩm do HND hướng dẫn được công nhận OCOP. Theo kế hoạch năm 2023, HND các cấp khảo sát, tư vấn trực tiếp cho 32 sản phẩm; kết thúc đợt 1, đã có 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Không chỉ hỗ trợ xây dựng mới các sản phẩm OCOP, các cấp hội còn có nhiều cách làm hay để duy trì, phát triển, nâng chất lượng sản phẩm đã được gắn sao. Tìm hiểu ở huyện Yên Thế, từ khi triển khai Đề án, HND huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện bố trí hơn 685 triệu đồng để thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Năm 2022, sản phẩm dầu lạc của HTX Cường Nhung (xã An Thượng) được công nhận OCOP 3 sao. Năm nay, HTX tiếp tục được hỗ trợ 250 triệu đồng để thực hiện mô hình liên kết sản xuất lạc an toàn gắn với OCOP. Theo đó, vùng nguyên liệu của HTX được mở rộng từ 5 lên 10 ha. HTX còn được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại, nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Dứa Hương Sơn (Lạng Giang) cũng là một trong số nhiều sản phẩm chủ lực của huyện và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Để duy trì, nâng sao cho sản phẩm, thời gian qua, HND huyện, xã hướng dẫn các thành viên HTX cùng nhiều hộ dân khác áp dụng biện pháp thời vụ tạo ra quả dứa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dứa cho quả quanh năm, với giá bán tại vườn dao động từ 9-10 nghìn đồng/kg (cao hơn những năm trước), nông dân địa phương thu từ 300-350 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Mới đây, HND huyện tiếp tục hướng dẫn đại diện HTX dứa sạch Hương Sơn cùng cộng sự tham gia cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ X” (2022-2023) do HND tỉnh tổ chức. Kết quả, đề tài “Áp dụng biện pháp thời vụ trong việc xử lý dứa ra quả trái vụ” của nhóm tác giả đã được Ban tổ chức trao giải Nhì. Dứa Hương Sơn còn được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch HND tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, nhìn chung, các chủ thể có sản phẩm tham gia xây dựng sản phẩm OCOP đều gặp khó khăn về kinh phí. Sản phẩm Hội tư vấn phần lớn thuộc nhóm thực phẩm chưa qua chế biến, sơ chế (chiếm 87,5%).
Để khắc phục vướng mắc, thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện, thành ủy, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải bài toán về kinh phí trong triển khai chương trình OCOP; quan tâm phát triển sản phẩm có thương hiệu, chế biến sâu, theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Trước mắt là thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn (Hiệp Hòa).
Cùng đó tiếp tục quan tâm chỉ đạo thành lập các HTX, tổ hợp tác, vì đây là nền móng để xây dựng các sản phẩm OCOP (10 tháng năm nay, HND các cấp đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 32 tổ hợp tác và 19 HTX). Ban Thường vụ HND tỉnh còn giao chỉ tiêu thi đua hằng năm để các huyện, thành hội thực hiện Đề án theo hướng rõ việc, rõ kết quả; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương
Triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã vào năm 2027
Quy mô kinh tế Bắc Giang tăng 4 bậc: Công nghiệp khẳng định vị thế