Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn hai tháng song kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện đạt thấp. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để giải ngân vốn, tránh dồn vào cuối năm.
Tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hơn 10,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn giao năm 2024 hơn 9,9 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn từ năm trước chuyển tiếp sang năm nay. Nguồn vốn này được tỉnh và các địa phương bố trí để xây dựng các công trình chuyển tiếp và khởi công mới thuộc lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, y tế, môi trường… và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Huyện Yên Dũng đang chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường ĐH.5B. |
Theo Chỉ thị số 3 ngày 6/2/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 (Chỉ thị số 3), tỉnh phấn đấu đến ngày 30/9 giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn. Thế nhưng, 9 tháng năm nay, tổng giá trị giải ngân toàn tỉnh mới đạt hơn 4.573 tỷ đồng, bằng 49,3% so với tổng kế hoạch vốn.
Theo Chỉ thị số 3 ngày 6/2/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, tỉnh phấn đấu đến 30/9 giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn. Thế nhưng, 9 tháng năm nay, tổng giá trị giải ngân toàn tỉnh đạt hơn 4.573 tỷ đồng, bằng 49,3% so với tổng kế hoạch vốn. |
Khảo sát thực tế, nhiều đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân đạt thấp hơn so với yêu cầu của tỉnh. Ví như tại huyện Yên Dũng, năm nay địa phương có tổng vốn đầu tư công hơn 419 tỷ đồng.
Bà Tạ Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện cho biết, trên cơ sở nguồn vốn này, địa phương sử dụng để thực hiện hàng chục công trình giao thông, xây dựng hạ tầng khu dân cư, trụ sở công an các xã… Hết tháng 9, toàn huyện mới giải ngân được hơn 214 tỷ đồng, đạt hơn 55% so với kế hoạch vốn.
Hay như huyện Lục Nam giải ngân gần 212 tỷ đồng trong tổng số hơn 518 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 40% kế hoạch vốn. Các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Thế… tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều đạt thấp.
Tương tự, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh năm nay được giao gần 926 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện nhiều công trình giao thông, thủy lợi. Hết tháng 9 năm nay, giá trị giải ngân đạt hơn 354 tỷ đồng, đạt hơn 38% kế hoạch vốn.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Việc giải ngân vốn đầu tư công không bảo đảm tiến độ khiến các công trình chậm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân vốn chưa đạt yêu cầu. Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do một số công trình trọng điểm thi công chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của nhiều dự án chuyển tiếp vẫn gặp vướng mắc nên nhà thầu không có mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục. Qua rà soát thực tế, toàn tỉnh còn 4 công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng song vẫn chưa GPMB xong.
Ví như dự án đường kết nối từ đường tỉnh (ĐT) 295 đến quốc lộ (QL) 37 (Lạng Giang) đoạn đi qua địa bàn xã Tân Hưng còn 7 hộ chưa GPMB xong, đoạn đi qua địa bàn xã Hương Sơn còn 3 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường nên nhà thầu gặp khó khăn trong vận chuyển đất để thi công nền đường. Dự án này năm nay được bố trí 81 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân gần 7 tỷ đồng, đạt khoảng 9% so với kế hoạch vốn.
Hay như dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu (Yên Dũng) còn nút giao ngã 6 thuộc xã Đồng Phúc chưa GPMB xong. Dự án này được giao vốn năm 2024 hơn 397 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 101 tỷ đồng, đạt 25% so với kế hoạch vốn. Dự án xây dựng ĐT295, đoạn cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội (Tân Yên) còn 18 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, 2 cột điện chưa dịch chuyển… Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán để giải ngân vốn theo lộ trình.
Theo Chỉ thị số 3, hết ngày 31/12 năm nay, toàn tỉnh giải ngân xong số vốn chuyển tiếp từ năm ngoái chuyển sang; hết tháng 1/2025, toàn tỉnh giải ngân 100% kế hoạch vốn. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, TP và cơ quan liên quan tập trung chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải gắn trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo, cán bộ đối với từng bước triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời sẽ xem xét, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các sở, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP và cá nhân, tập thể liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ giao vốn, giải ngân vốn. UBND tỉnh đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm ở mức hoàn thành nhiệm vụ đối với trường hợp giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60-80% so với kế hoạch được giao; không hoàn thành nhiệm vụ đối với trường hợp giải ngân vốn đạt dưới 60% so với kế hoạch được giao…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giải ngân vốn và thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Trên cơ sở đăng ký tiến độ thực hiện của từng dự án, các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các nhà thầu huy động máy móc, nhân công tăng ca để gấp rút hoàn thiện các hạng mục. Đại diện lãnh đạo huyện Lạng Giang cho biết, trước vướng mắc về mặt bằng của dự án đầu tư tuyến đường kết nối từ ĐT 295 đến QL 37, huyện giao cho các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân để hiểu rõ các quy định của pháp luật, từ đó đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện phương án bồi thường để phê duyệt. Huyện Tân Yên phối hợp với ngành điện để di dời các cột điện liên quan đến đất của dự án xây dựng ĐT295, đoạn cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội ngay trong tháng 10 năm nay.
Các huyện Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế và thị xã Việt Yên nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban định kỳ hằng tháng và quý để kiểm điểm tiến độ. Huyện Yên Dũng giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, phấn đấu hết tháng 10 sẽ giải ngân đạt 75% kế hoạch vốn. Huyện Tân Yên phấn đấu hết tháng 10 giải ngân hơn 80% kế hoạch vốn… Còn tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Giám đốc cho biết, thời điểm này, Ban đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án, có mặt bằng đến đâu sẽ thi công ngay đến đó.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương