Xác định giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư tập trung cao cho công tác này. Thế nhưng, đến giữa tháng 10 vừa qua, kết quả giải ngân vẫn chậm, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bố trí vốn hợp lý, bảo đảm tiến độ các công trình, dự án.
Kết quả giải ngân chậm
Theo cơ quan chức năng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến nay hơn 13,4 nghìn tỷ đồng, trong đó số vốn giao đầu năm 2023 hơn 9,9 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh bố trí đầu tư khởi công mới và xây dựng chuyển tiếp hàng trăm công trình giao thông, y tế, thủy lợi, trường học, môi trường.
Dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu đang được đẩy nhanh tiến độ để giải ngân vốn. |
Theo Chỉ thị số 02 ngày 19/1/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023, tỉnh phấn đấu đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn được giao; hết năm 2023 giải ngân 100% kế hoạch đối với tất cả các nguồn vốn kéo dài; đến 31/1/2024 giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được bố trí trong năm. Thế nhưng, tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân vốn còn chậm.
Đến giữa tháng 10 năm nay, tổng giá trị giải ngân chung toàn tỉnh đạt hơn 7,3 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9% kế hoạch. Kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra là đến ngày 30/9 năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn được giao. |
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng giá trị giải ngân chung đến giữa tháng 10 toàn tỉnh đạt hơn 7,3 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9% kế hoạch vốn, chưa đạt yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh chỉ có huyện Tân Yên giải ngân đạt hơn 70% kế hoạch vốn đầu tư công (không bao gồm các chương trình MTQG); TP Bắc Giang giải ngân vốn các chương trình MTQG đạt hơn 70% kế hoạch vốn.
Các địa phương còn lại, tỷ lệ giải ngân vốn đều chậm. Ví như huyện Lạng Giang, đến giữa tháng 10/2023 mới giải ngân gần 490/759 tỷ đồng để xây dựng hơn 100 công trình chuyển tiếp và khởi công mới, đạt hơn 64% kế hoạch vốn.
Huyện Lục Nam giải ngân khoảng 278/561 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch vốn. Các huyện: Việt Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa… kết quả giải ngân đều thấp. Không chỉ ở các huyện, năm nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh được giao hơn 2.380 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện nhiều công trình trọng điểm, song đơn vị này cũng mới giải ngân được hơn 1.480 tỷ đồng.
Tăng thu tiền sử dụng đất, kịp thời chuyển nguồn vốn
Kết quả giải ngân vốn chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân. Một số huyện, TP có chung phản ánh, vốn đầu tư công của các địa phương được trích lại 60% từ tiền thu sử dụng đất, trong khi đó kết quả thu khoản tiền này năm nay đạt thấp do các phiên đấu giá trầm lắng, nhiều phiên không thành công nên chưa bố trí được vốn theo kế hoạch để giải ngân cho các công trình.
Huyện Lạng Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng Khu dân cư xã Thái Đào để tổ chức đấu giá. |
Ông Trần Công Tưởng, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Lạng Giang cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều công trình giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, song địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để giải ngân. Nguyên nhân là do công tác đấu giá đất gặp khó khăn.
Được biết, năm nay, huyện có kế hoạch thu 450 tỷ đồng tiền sử dụng đất, song hết tháng 10, mới thu được hơn 252 tỷ đồng. Huyện Lục Nam cũng chỉ thu được 139/524 tỷ đồng tiền sử dụng đất…. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương khác của tỉnh. Theo Cục Thuế tỉnh, 10 tháng qua, toàn tỉnh thu tiền sử dụng đất đạt 3.870 tỷ đồng, bằng 64,5% kế hoạch được giao.
Ngoài các nguyên nhân trên, còn một số công trình thi công chưa bảo đảm tiến độ dẫn đến kết quả giải ngân vốn đạt thấp; số khác gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) nên ảnh hưởng tiến độ thi công, giải ngân. Ví như, dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu có hạng mục nút giao ngã 6 thuộc xã Đồng Phúc (Yên Dũng) liên quan đến 47 hộ dân, 52 thửa đất.
Đến nay, các hộ chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ tài sản trên đất nên chưa bàn giao mặt bằng. Từ đầu năm đến nay, chủ đầu tư dự án này mới giải ngân hơn 324 tỷ đồng, đạt khoảng 71% kế hoạch. Hay như dự án xây dựng đường nối QL37- QL17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên), do một số hộ dân ở xã Tam Tiến (Yên Thế) chưa di dời tài sản trên đất khiến nhà thầu chậm thi công nhiều hạng mục.
Trước thực trạng này, ngày 20/10 vừa qua, UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình MTQG năm 2023 và xây dựng kế hoạch đầu tư công, chương trình MTQG năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao vốn tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm giải ngân, phát huy hiệu quả công trình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm nay, đặc biệt là nguồn vốn năm ngoái chuyển nguồn sang năm nay, hoặc đề xuất điều chuyển vốn muộn dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.
Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều địa phương đang tập trung cao hoàn thiện hạ tầng các khu dân cư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư để có kinh phí giải ngân theo kế hoạch. Huyện Lục Nam hoàn thiện hồ sơ giao đất 5 khu dân cư, đô thị giai đoạn 1 ở các xã: Tam Dị, Tiên Nha, Lan Mẫu và 2 thị trấn Đồi Ngô,Phương Sơn cho các doanh nghiệp trong tháng 11 để thu tiền sử dụng đất.
Cùng với đó, các huyện, TP tiếp tục tuyên truyền, nỗ lực GPMB để bàn giao đất cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các đơn vị, địa phương; rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn.
Được biết, đến nay, nhiều đơn vị đã cắt giảm, điều chuyển vốn từ công trình chưa khởi công hoặc thi công chậm sang công trình, dự án cấp bách. Điển hình như huyện Lạng Giang đã cắt giảm hạng mục của một số dự án (xây dựng đường từ trụ sở UBND xã Mỹ Thái đi thôn Cầu Trong và thôn Cò; đường huyện, đoạn từ QL37 đi đường vành đai V thủ đô; đường từ Trung tâm Y tế huyện đi xã Mỹ Hà…), với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để bố trí cho một số công trình khác đang thi công có tiến độ nhanh.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đề nghị điều chuyển 50 tỷ đồng của dự án mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho dự án khác do không có khối lượng thanh toán, giải ngân toàn bộ số vốn vào cuối năm nay.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Muốn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phải định danh qua VneID?
Quỹ từ thiện của doanh nghiệp tỉnh sưởi ấm người bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số