Sáng 23/3, tại Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (CHLB Đức) tại Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang (YBA Bắc Giang) tổ chức hội nghị “Triển vọng đầu tư năm 2024”.
Dự hội nghị có các diễn giả là chuyên gia kinh tế: Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ; ông Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE.
Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị, hội, tổ chức Hội doanh nghiệp (DN) và hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang Lương Văn Nghiệp cho biết, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực, thu hút đầu tư đạt kết quả khá; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của một số DN vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là các DN sản xuất, gia công linh kiện điện tử có quy mô lớn. Một số DN lớn tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm đơn hàng; việc tăng quỹ đất cho phát triển công nghiệp còn chậm hơn so với tốc độ thu hút đầu tư của tỉnh. Điều đó cho thấy, mặc dù vẫn trên đà tăng trưởng, song phát triển KT-XH của Bắc Giang vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Hội nghị “Triển vọng đầu tư năm 2024” nhằm cung cấp thông tin, dự đoán về tình hình phát triển kinh tế, cơ chế chính sách, xu hướng về môi trường đầu tư, kinh doanh, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam, cơ hội, triển vọng, thách thức và lời khuyên của các Chuyên gia kinh tế cho các DN nhỏ và vừa tỉnh Bắc Giang trong năm 2024.
Tại đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2024 là năm tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm;… Ở trong nước, sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước tác động từ bên ngoài còn hạn chế… Qua đó cho thấy, khó khăn còn rất nhiều song vẫn có nhiều yếu tố để kỳ vọng về sự tăng trưởng của kinh tế đất nước trong năm 2024.
Trong đó sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển, cùng với quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ chính là những yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Andreas Stoffers – Giám đốc Viện FNF Việt Nam cho rằng, Việt Nam đứng thứ 59/179 quốc gia tại Chỉ số Tự do Kinh tế do The Heritage Foundation công bố năm 2024. Sự phát triển mà Việt Nam đã trải qua kể từ năm 1995, 11 năm sau thời kỳ đổi mới (1986), không có quốc gia nào phát triển nhanh chóng như vậy về mặt tự do kinh tế trong 30 năm qua. Năm 2023, Việt Nam tăng 13 bậc, điều ấn tượng không chỉ là vị thế của Việt Nam mà trên hết là xu hướng, xu hướng này đang hướng về phía trước một cách rõ ràng. GS.TS Andreas Stoffers cho rằng Việt Nam cần nỗ lực bằng cách tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hệ thống pháp luật vì việc đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi minh bạch và công bằng, tạo điều kiện công bằng cho DN và người dân.
Việt Nam có thể thu hút thêm FDI công nghệ cao cần tập trung đầu tư vào giáo dục mang tính thực hành, ví dụ như mô hình hệ thống đào tạo kép của Đức. Tăng cường tính minh bạch trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, bằng cách tăng cường các cơ quan xếp hạng độc lập. Tinh giản và đẩy nhanh các thủ tục hành chính. GS.TS Andreas Stoffers hy vọng hội nghị này sẽ giúp DN lựa chọn các giải pháp phát triển hơn và giúp Bắc Giang thành trung tâm FDI tại Việt Nam.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024; cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và DN Việt Nam; một số chính sách hỗ trợ thị trường, DN và giải pháp đối với DN và tỉnh Bắc Giang.
Tại hội nghị, diễn ra phiên tọa đàm, trao đổi giữa các chuyên gia và đại biểu. Các nội dung tập trung làm rõ về triển vọng, nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế – đầu tư năm 2024; cơ hội, đầu tư kinh doanh tại địa phương; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển DN trong thời gian tới; kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu; một số ngành nghề triển vọng và những ngành nghề dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm tới đây; chia sẻ cách thức để các DN nội địa có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các DN FDI; giải pháp để đón sóng đầu tư FDI; yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh DN trong giai đoạn tới. Đồng thời các diễn giả làm rõ một số chính sách mới tác động đến hoạt động của DN, các ngành nghề;…
Các chuyên gia bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang trong quý I và thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng Bắc Giang có vị trí thuận lợi giống như căn nhà đẹp nhất ở khu đô thị. Để khai thác lợi thế này, DN cần chuẩn bị các điều kiện để có thể kinh doanh về mặt bằng, nhà xưởng, máy móc, con người, xây dựng mối quan hệ với đối tác, từ đó thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Nếu chỉ cho thuê căn nhà đẹp đó thì thật lãng phí vì giá trị gia tăng không nhiều. Còn DN đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ở một thời điểm nào đó thì cần đánh giá qua quá trình phát triển, mỗi DN sẽ phát sinh những vấn đề gì trong tương lai, từ nguyên liệu, nhân công để chủ động tham gia chuỗi cung ứng. Đặc biệt, DN cần chủ động, có chiến lược lâu dài, tầm DN ở đâu thì tầm người đứng đầu ở đó, phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn, hướng đi của người chèo lái DN.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, DN phải tăng khả năng chống chịu, nhanh chóng thích ứng với tình hình; nhanh nhạy cập nhật chính sách mới và chủ động tìm hiểu những tác động của cơ chế, chính sách, đưa ra giải pháp phù hợp. Hiện nay, cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn rất lớn, Bắc Giang có thể nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này và chuẩn bị các điều kiện đi kèm, tạo đà cho phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền cần xây dựng quy hoạch có tính tổng thể, việc lấy ý kiến phải bảo đảm thực chất, rộng rãi, cộng đồng DN, người dân vô cùng quan trọng để tránh sai sót.
Chia sẻ một số kinh nghiệm mạnh dạn đổi mới để phát triển, ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu Việt Nam cho biết, là DN kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí nhưng trước làn sóng kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, đơn vị đã thúc đẩy chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh. Bước đầu, DN cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều luồng ý kiến cho rằng nếu xây dựng các trạm sạc pin phục vụ xe điện sẽ giảm doanh thu bán dầu, chẳng phải đã “lấy đá cản đường”. Tuy nhiên với quyết tâm, xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, DN đã xây dựng các trạm sạc pin điện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, lợi nhuận từ các trạm sạc pin điện đã chiếm 25% lợi nhuận bán dầu của đơn vị. Đây là minh chứng cho thấy, cần phải nhận định, dự báo được xu hướng và càng đi sớm, đón đầu thì DN sẽ thành công, chính vì thế đòi hỏi ban lãnh đạo DN cần có tư duy đổi mới.
Phân tích thách thức, triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực thông tin, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm và một số chính sách điều hành hiệu quả của Nhà nước, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục từ quý IV/2023. Có thể thấy, giao dịch bất động sản chủ yếu đối với những người có nhu cầu thực. Một trong yếu tố tác động lớn là lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với cùng kỳ khiến không chỉ thị trường bất động sản hồi phục mà kéo theo đó là cả thị trường chứng khoán ngày một tốt lên.
Với những thông tin, lời khuyên hữu ích của các diễn giả tại hội nghị sẽ là cơ sở để mở ra hướng đầu tư cho DN trong năm 2024, giúp DN có cơ sở để đưa ra những phương hướng, quyết định đầu tư đúng đắn trong thời gian tới.
Bắc Giang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tận dụng tốt các cơ hội, chung tay cùng cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh phát triển và góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra./.
Theo bacgiang.gov.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển