Khẳng định tiếng nói của các nước đang phát triển

Thứ Ba, 19 Tháng Chín, 2023 125 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 (nhóm các nước đang phát triển) và Trung Quốc được tổ chức tại thủ đô của Cuba đã khép lại với Tuyên bố La Habana về “Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Sau hai ngày hội nghị với gần 120 lượt phát biểu của lãnh đạo các nước thành viên Nhóm G77 và Trung Quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cũng như đại diện nhiều tổ chức quốc tế uy tín, hội nghị đã đạt được nhận thức chung và đồng thuận về vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, vừa là động lực, vừa là chất xúc tác cho tăng trưởng bao trùm, giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu và thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc ở La Habana, Cuba ngày 15/9/2023.

Các thành viên G77 và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy môi trường cởi mở, công bằng trong phát triển khoa học, công nghệ, ưu tiên chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, chú trọng hợp tác kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách số; đồng thời tăng cường hợp tác Bắc – Nam về tài chính cho phát triển; thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, các mô hình ba bên và các cơ chế hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, nhóm đại diện cho 80% dân số thế giới và hơn 70% số thành viên LHQ cũng kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới, tăng cường tiếng nói của các nước phương Nam, thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị kinh tế và tài chính toàn cầu bao trùm, hiệu quả và toàn diện hơn.

Với tư cách là thành viên sáng lập nhóm, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào các nội dung nghị sự của G77, góp phần giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được nhiều nước chia sẻ và đánh giá cao, góp phần truyền tải thông điệp: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa vạn năng để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nếu như chìa khóa của cuộc chiến chống dịch COVID-19 là vaccine thì “vaccine” trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu chính là khoa học, công nghệ và hydro xanh; “vaccine” của các vấn đề toàn cầu chính là sự hợp tác, đoàn kết, là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Thủ tướng, đối với Việt Nam, khoa học – công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược và Việt Nam hiện đang là một trong 4 nước đi đầu thúc đẩy mô hình chuyển đổi năng lượng công bằng với mục tiêu trở thành một trung tâm chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề xuất các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy xây dựng các nền tảng cho hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước phương Nam, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước hết là thúc đẩy hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, với tinh thần tăng cường hơn nữa đoàn kết quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tiếp đó, giải quyết hài hòa giữa sở hữu trí tuệ với phạm trù đạo đức trong trách nhiệm chia sẻ, chuyển giao công nghệ vị nhân sinh, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, đói nghèo, biến đổi khí hậu, giảm phát thải.

Một trọng tâm hợp tác nữa là thúc đẩy đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo, lấy con người là chủ thể, là trung tâm, trong đó giới trẻ là lực lượng tiên phong. Cuối cùng là kiến tạo các khung chính sách và đầu tư, nhất là trong hợp tác công – tư, tạo lập hệ sinh thái nghiên cứu, chuyển giao và phát triển sản phẩm khoa học – công nghệ giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Chú trọng thúc đẩy nghiên cứu phát triển các lĩnh vực mới từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số như công nghệ vật liệu, lượng tử, sinh học, năng lượng, công nghệ biển, hạ tầng thông minh, các loại hình kinh tế mới.

Phát biểu trước trên 1.300 đại biểu đến từ 116 quốc gia, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của việc thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo nhà lãnh đạo Cuba, G77 và Trung Quốc là nhóm đại diện năng động nhất của các quốc gia Nam – Nam, với thành phần đa dạng, trong đó có những nền kinh tế lớn của thế giới.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định vai trò, tầm quan trọng của G77 và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một thế giới “có tính đại diện hơn và đáp ứng nhu cầu của những nền kinh tế đang phát triển”, nhấn mạnh rằng các quốc gia này “bị mắc kẹt trong một mớ khủng hoảng toàn cầu”.

Vì lẽ này, ông đề nghị các nước phát triển nhanh chóng thực hiện cam kết tăng cường chính sách tài chính ưu đãi, cung cấp tài chính khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua những thách thức phát triển hiện nay. Tổng Thư ký Guterres bày tỏ tin tưởng tiếng nói của G77 và Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao tiếng nói của Nam bán cầu và định hình lại hệ thống quốc tế dựa trên sự bình đẳng.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao G77 và Trung Quốc ở La Habana, Cuba ngày 15/9/2023.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc diễn ra sau những thay đổi quan trọng trong các khối liên minh toàn cầu. Mới đây, Liên minh châu Phi đã gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trong khi đó, khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã quyết định mở rộng bằng việc kết nạp thêm 6 thành viên mới là Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Tổng Vụ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương và luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Cuba, ông Rodolfo Benítez, cho rằng việc G77 và Trung Quốc thống nhất được quan điểm và ra tuyên bố chung La Habana chỉ vài ngày trước khi Tuần lễ cấp cao khóa 78 Đại hội đồng LHQ bắt đầu là động thái mang tính chiến lược, góp phần giúp tiếng nói của nhóm mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện tốt hơn trong tranh luận trên các diễn đàn quốc tế.

Sự phát triển của một trật tự thế giới có tính đến lợi ích của các quốc gia Nam bán cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng kiến thức, khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học và công nghệ là chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những cơ hội tiếp cận khoa học và công nghệ phần lớn đã bị một số quốc gia độc quyền chiếm lĩnh, dẫn đến việc các quốc gia Nam bán cầu bị gạt ra ngoài lề và gánh chịu những hậu quả bất lợi, đơn cử như việc chiếm lĩnh công nghệ, bằng sáng chế và các trung tâm nghiên cứu đã góp phần đẩy nhanh quá trình chảy máu chất xám từ nhiều quốc gia Nam bán cầu sang các nước phát triển.

Giới phân tích nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc lần này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác Nam – Nam trong việc định hình tương lai của quản trị toàn cầu, với nhiều kỳ vọng vào sức mạnh của sự đoàn kết, hợp tác và khát vọng chung giữa các quốc gia đang phát triển nhằm nỗ lực vượt qua những thách thức phức tạp của thế giới hiện đại.

Tuyên bố La Habana và bức ảnh chụp tại hội nghị với hàng trăm gương mặt đại diện các phái đoàn, đã minh chứng cho tiếng nói đoàn kết một lòng của các quốc gia phương Nam trước những thách thức toàn cầu.

Theo Báo Bắc Giang