Khởi sắc những mô hình khuyến nông gắn với du lịch

Thứ Năm, 4 Tháng Một, 2024 142 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang “nở rộ” mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Đóng góp vào đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng duy trì, triển khai nhiều mô hình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiệu quả bước đầu

Thời điểm năm 2018, toàn huyện Yên Thế có hơn 520 ha chè tập trung ở hai xã Xuân Lương và Canh Nậu, song chỉ có một diện tích nhỏ trồng theo quy trình VietGAP. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Thế triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ với quy mô 9 ha tại hai xã nói trên. Mục tiêu của mô hình nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Theo đó, 36 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ và 50% thuốc bảo vệ sinh học; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng sâu bệnh.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng Bản Ven Xanh, xã Xuân Lương (Yên Thế). Ảnh: CTV.

Chị Đàm Thị Sỹ, bản Ven, xã Xuân Lương cho biết, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên năng suất trung bình đạt 450 kg chè khô/ha/lứa (nhiều gấp 1,5 lần so với cách chăm sóc truyền thống). Giá chè trồng theo phương pháp mới tăng khoảng 20% bởi sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Từ 7 sào chè ban đầu, đến nay, gia đình chị đã mở rộng lên 10 sào. Các hộ dân khác tham gia mô hình cũng nâng diện tích trồng chè theo phương pháp hữu cơ; liên kết sản xuất, chế biến sâu sản phẩm chè sạch gắn với làm du lịch. Năm 2022, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven Xanh của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao, đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi năm, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Ngoài mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai nhiều mô hình như trồng vải và dưa lưới VietGAP tại các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng kết hợp du lịch trải nghiệm… Bên cạnh các mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, còn nhiều mô hình do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, TP thực hiện, cho kết quả khả quan. Đơn cử như mô hình trồng hoa mã tiên thảo và cúc bách nhật gắn với phát triển du lịch sinh thái tại phim trường Rose Garden, phường Đa Mai của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Bắc Giang.

Anh Lê Văn Dương, hộ tham gia mô hình thông tin: Từ tháng 8-10/2023 (thời điểm hoa nở đẹp), phim trường đón khoảng 11 nghìn lượt khách tham quan, chụp ảnh; lợi nhuận thu về hơn 400 triệu đồng. Hiện gia đình anh đã mở rộng thêm 1 nghìn m2 trồng hai loại hoa trên, nâng tổng diện tích lên hơn 3 nghìn m2, đồng thời duy trì phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Cần cơ chế để nhân rộng mô hình

Những mô hình khuyến nông gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ngày càng khởi sắc, nhân rộng song vẫn gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Xuân Đăng, hộ tham gia mô hình trồng dưa lưới Ichiba tại xã Trí Yên (Yên Dũng) chia sẻ: “Cây dưa được trồng trong nhà kính có thời điểm vẫn nhiễm sâu bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng quả. Để kết hợp phát triển du lịch, gia đình đã xây dựng điểm nghỉ ngơi gần khu nhà kính; cải tạo cảnh quan sạch, đẹp, song chưa thu hút được nhiều khách du lịch”. Nguyên nhân là do quy mô điểm du lịch sinh thái này còn nhỏ, sơ sài, giản đơn, thiếu nhân lực, kinh phí cải tạo, đầu tư.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở quy mô lớn và tập trung hơn; tích cực chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân; tăng cường liên kết và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị.

Khó khăn của hộ anh Đăng cũng là khó khăn chung của một số mô hình khuyến nông gắn với phát triển du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các mô hình khuyến nông gắn với phát triển du lịch chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt.

Trong khi đó, việc trồng trọt phụ thuộc nhiều vào thời tiết, kỹ thuật, chất lượng cây giống… Một bộ phận người dân chưa biết cách tận dụng cơ hội làm giàu từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; chưa mạnh dạn đầu tư, còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước làm ảnh hưởng tới việc nhân rộng. Ngoài ra, chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo, các dịch vụ đi kèm để níu chân khách tham quan.

Nhằm duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình khuyến nông gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển du lịch tạo hiệu quả kinh tế kép. Sau tập huấn, nhiều nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Điển hình như anh Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đã tổ chức lại quy trình sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Phát huy lợi thế địa phương có hồ Bầu Tiên tươi đẹp, anh đầu tư kinh phí xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách tham quan, trải nghiệm. Mới đây, điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là cú hích, động lực để anh Hiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở quy mô lớn và tập trung hơn; tích cực chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân; tăng cường liên kết và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị. Tuy nhiên, để các mô hình phát hiệu quả, rất cần có sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề về chính sách, kinh phí giúp các mô hình trụ vững và nhân rộng.

Theo Báo Bắc Giang