Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu, góp phần làm lành mạnh thị trường, chống thất thu thuế. Trong đó, nổi bật là xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho từng lần bán hàng. Đây được đánh giá là chủ trương đúng đắn, giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng xăng, dầu, chống gian lận thuế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế về thực hiện HĐĐT.
Thực hiện quy định về xuất HĐĐT cho từng lần bán, tỉnh Bắc Giang đã rốt ráo triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp (DN) với 44 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu xuất HĐĐT kết nối với cơ quan quản lý thuế sau mỗi lần bán hàng như: Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang; Công ty TNHH một thành viên Vũ Đăng Quang; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Long Khánh; Công ty Xăng dầu Hà Bắc (cùng trụ sở tại TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Thương mại Petrol City (Việt Yên).
Theo đại diện Công ty Xăng dầu Hà Bắc, thực hiện xuất HĐĐT khi bán lẻ sản phẩm, đơn vị lắp đặt phần mềm xuất hoá đơn cho khách hàng tại tất cả các cột bơm xăng, dầu. Hiện nay, việc xuất hoá đơn khá thuận lợi; thông tin khách hàng được cập nhật đầy đủ như: Mã số thuế, số lượng xăng, dầu đã mua, đơn giá, thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tích cực hưởng ứng chủ trương chung. Qua nắm bắt tình hình, cơ quan chức năng nhận thấy, một số DN bán lẻ xăng, dầu ở địa phương khác có dấu hiệu tìm cách thoái thác thực hiện, cho rằng quy định như trên khiến DN phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phần mềm và bổ sung nhân sự để tập hợp thông tin khi xuất hóa đơn. Trong khi DN bán lẻ xăng, dầu đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, một số thành viên kêu gọi các DN bán lẻ xăng, dầu kiến nghị cơ quan thuế về việc phát sinh lớn chi phí đầu tư, lo ngại ùn tắc giao thông tại cây xăng khi xuất hóa đơn từng lần bán để trì hoãn triển khai thực hiện quy định; hoặc tìm cách đối phó bằng việc xuất HĐĐT khi cuối ngày bán, xuất hóa đơn theo tuần, tháng cho khách hàng với số lượng lớn; thậm chí cho rằng phải dừng hoạt động bán hàng vì gặp nhiều trở ngại.
Tại tỉnh Bắc Giang, chưa phát hiện DN nào tham gia mạng xã hội lôi kéo, kích động, đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo thì có thể dẫn đến hệ lụy khó lường.
Để không đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, hiện Sở Công Thương phối hợp cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra công tác dự trữ nguyên liệu thương mại bắt buộc tối thiểu của DN; thường xuyên nắm bắt diễn biến hoạt động kinh doanh xăng, dầu, khuyến cáo DN không nên tham gia vào hội nhóm kín, lợi dụng danh nghĩa góp ý để tuyên truyền, lôi kéo, kích động chống lại các quy định, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Muốn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phải định danh qua VneID?
Quỹ từ thiện của doanh nghiệp tỉnh sưởi ấm người bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số