Kinh tế tư nhân – động lực thúc đẩy tăng trưởng

Thứ Bảy, 18 Tháng Năm, 2024 132 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW (NQ 10) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh đạt kết quả tích cực.

Kết quả nổi bật

Bám sát nội dung NQ 10, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền cũng như những chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Khu công nghiệp Quang Châu thu hút nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện NQ 10, phấn đấu đến năm 2020, Bắc Giang có ít nhất 11.000 doanh nghiệp (DN), đến năm 2025 có trên 19.000 DN, đến năm 2030 có ít nhất 30.000 DN; đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng đạt khoảng 65% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 68%.

Thực hiện mục tiêu trên, các cấp, ngành của tỉnh Bắc Giang đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp và chủ động đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; luôn lắng nghe và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Do không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn từ năm 2017 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 10,5 nghìn DN thành lập mới; lũy kế từ trước đến nay có hơn 16 nghìn DN, với tổng vốn đăng ký hơn 178 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng trung du, miền núi phía Bắc và đứng thứ 14 toàn quốc về số lượng DN. Tốc độ phát triển DN bình quân giai đoạn 2017-2023 đạt 5,8%/năm. Dự báo từ nay đến năm 2030, chỉ tiêu số lượng DN sẽ đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

 

Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào GRDP và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Qua tính toán, năm 2023, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 63,5% cho tăng trưởng. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang luôn duy trì ở mức cao trong những năm gần đây.

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh ngày càng quan trọng. Năm 2023, thu ngân sách của các DN đạt 4.900 tỷ đồng, chiếm 28% tổng thu ngân sách tỉnh, gấp 3,3 lần so với năm 2017. Qua tính toán, năm 2023, kinh tế tư nhân đóng góp hơn 63,5% cho tăng trưởng. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang duy trì ở mức cao trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2017-2023 đạt 14,3%/năm; quy mô GRDP năm 2023 gấp 2,4 lần năm 2017, vươn lên đứng thứ 12/63 tỉnh, TP. Quý I năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đứng đầu cả nước.

Coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, phát triển DN

Mới đây, đoàn công tác của Ban Kinh tế T.Ư đã khảo sát tại tỉnh Bắc Giang nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị T.Ư 5 khóa XII, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, trong đó có NQ 10. Qua thực tế cơ sở, đoàn công tác đánh giá cao cách làm, kết quả thực hiện của tỉnh. Đó là nhờ sự chủ động, quyết liệt, không trông chờ cấp trên nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron Vina, Khu công nghiệp Vân Trung.

Nhìn lại quá trình thực hiện NQ 10 nhận thấy, để đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân, trước hết cần bám sát chỉ đạo của cấp trên để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt, bài bản.

Đặc biệt coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, phát triển DN, nhất là hoạt động xúc tiến đầu tư. Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây, Bắc Giang luôn nằm trong địa phương có thứ hạng cao. Năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước về chỉ số PCI. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt khá, từ đầu năm đến nay đạt hơn 780 triệu USD, gần đạt mục tiêu đề ra của năm 2024. Điều này càng thêm khẳng định Bắc Giang là địa chỉ hấp dẫn, lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron Vina đến từ Hàn Quốc hiện có nhà máy tại Khu công nghiệp Vân Trung chia sẻ, khi đầu tư tại Bắc Giang, DN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng. Không chỉ vậy, những vướng mắc như: Lao động, thủ tục đầu tư,… đều được lắng nghe, tháo gỡ kịp thời. Vì vậy, DN yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài tại địa phương. Tháng 9 năm ngoái, Công ty đã đưa thêm một nhà máy nữa đi vào vận hành, tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới.

Đi đôi với hỗ trợ DN, Bắc Giang cũng kịp thời phát hiện, đề xuất các chính sách để ứng phó với những phát sinh trong thực tiễn; tháo gỡ điểm nghẽn, tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư.

NQ 10 đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để các địa phương bám sát trong việc chỉ đạo điều hành, đưa ra các giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, tỉnh nhận thức rõ tình hình kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong hiện tại và tương lai như: Số DN rút lui khỏi thị trường có xu thế tăng; phát triển công nghiệp gặp các rào cản về hạ tầng điện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh; các DN có thời điểm khó khăn trong tuyển dụng lao động, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng cao.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra khi thực hiện NQ 10, trước mắt là mức tăng trưởng đề ra năm 2024 của tỉnh, Bắc Giang tập trung vào nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục tập trung cao ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, giữ ổn định nền nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút các dự án cũng như hoạt động dịch vụ. Giải ngân vốn đầu tư công được xem như “đòn bẩy”, là cơ sở quan trọng cho tăng trưởng; tiếp tục đồng hành cùng DN để phục hồi sản xuất, kinh doanh và cải thiện năng suất lao động. Đồng thời, khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo Báo Bắc Giang