Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. |
Thông qua 8 luật, 17 nghị quyết
Sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5 chiều 24/6, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thông tin với báo chí, Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội) Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5 đến 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến 24/6), với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Tại kỳ họp, Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Mạnh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh; phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, kịp thời, bảo đảm thủ tục đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về phân bổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; hủy bỏ, thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không đúng quy định; xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm; tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến hết ngày 30/6/2023 bảo đảm đúng đối tượng, đúng thẩm quyền…
Khắc phục các tồn tại, hạn chế, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra; đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cơ quan triển khai thực hiện và có các giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để giải quyết các tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội.
Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 3 Bộ trưởng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về các lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, dân tộc. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống và nguyện vọng của cử tri và nhân dân với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Các Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp.
Với ý thức trách nhiệm cao, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội tiến hành giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trả lời, giải quyết các kiến nghị tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập trung khắc phục các hạn chế, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm một số kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều lần, các vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm – Hương Lâm
Hình ảnh nồi cháo thứ 54 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ
Bắc Giang: Huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Công bố các quyết định công nhận Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV, Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Đẩy mạnh truyền thông, đầu tư nâng cấp hạ tầng số
Chủ tịch Vinasme: Diễn đàn Kinh tế 2025 mang lại giải pháp đột phá
Hình ảnh nồi cháo thứ 53 do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang ủng hộ