Sở Quản lý và Phân phối điện khu vực VII (gọi tắt là Sở Điện VII), tiền thân của Công ty Điện lực Bắc Giang (PC Bắc Giang) được thành lập trên cơ sở tách một số bộ phận của Nhà máy điện Hà Bắc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1974. Trong suốt quá trình 50 năm xây dựng và phát triển, PC Bắc Giang đã vượt qua khó khăn, lập nhiều thành tích, nỗ lực cung ứng điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Những dấu mốc lịch sử
Giai đoạn đầu, lưới điện khu vực VII bao gồm tỉnh Hà Bắc và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chỉ có 25 km đường dây 110 kV nhưng vận hành ở cấp điện áp 35 kV; 226 km đường dây 35 kV, 10 kV và 6 kV; 68 km đường dây 0,4 kV, 8 trạm biến áp (TBA) trung gian với công suất 17,4 nghìn kVA; 140 TBA phụ tải với dung lượng 36,5 nghìn kVA. Tổng số cán bộ công nhân viên (CBCNV) của Sở Điện VII hơn 100 người.
Đồng chí Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác vận hành TBA 110 kV Đức Thắng (E7.11), huyện Hiệp Hòa. |
Trước bộn bề thiếu thốn, tập thể CBCNV Sở Điện VII đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Chỉ trong 2 năm (1974, 1975), đơn vị đã cơ bản khôi phục được những đường dây và TBA bị chiến tranh phá hủy. Khi đó, do thiếu nguồn điện nên đơn vị đã phải rà soát từng phụ tải, nhất là những phụ tải quan trọng như: Trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp,… để lập phương án, kế hoạch cấp điện trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Bảo đảm phân phối điện đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Cuối năm 1975, TBA 110 kV Đồi Cốc (công suất 55 nghìn kVA) là TBA 110 kV đầu tiên của tỉnh hoàn thành, đưa vào vận hành. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi từ đây lưới điện của tỉnh có điều kiện phát triển mạnh hơn. Hàng trăm km đường dây trung thế, hạ thế, nhiều TBA được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng thời gian từ 1974-1984 như: Đường dây 35 kV và TBA trung gian Đình Trám (Việt Yên), đường dây 35 kV và TBA trung gian Đức Thắng (Hiệp Hòa),… Qua đó mở rộng quy mô, đưa điện tới phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt lớn, trong khi nguồn và lưới điện chưa đáp ứng kịp nên đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh và ngành Điện cấp trên lập quy hoạch theo từng giai đoạn (1986-1990; 1993-1995, có xét đến những năm sau); xây dựng, cải tạo lưới điện, đáp ứng nhu cầu điện năng phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Thời kỳ này, lưới điện nông thôn phát triển với tốc độ nhanh, mỗi năm có hơn 100 TBA phụ tải được đóng điện. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên phần lớn lưới điện hạ thế do các địa phương và người dân tự xây dựng, chất lượng điện không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển, tên đơn vị được đổi nhiều lần, ứng với mô hình hoạt động phù hợp với từng thời kỳ. Theo đó, ngày 8/3/1996, Sở Điện lực Hà Bắc được đổi thành Điện lực Hà Bắc và chức năng quản lý nhà nước về điện được chuyển cho Sở Công Thương. Việc chuyển đổi sang mô hình mới bảo đảm tách bạch giữa kinh doanh bán điện và chức năng quản lý nhà nước về điện; tập trung cho việc quản lý vận hành, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, từ ngày 1/4/1997, Điện lực Bắc Giang được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Điện lực tỉnh Bắc Giang.
Vượt qua thách thức
Trước thách thức mới, tập thể CBCNV Điện lực Bắc Giang tiếp tục đoàn kết, vươn lên. Giai đoạn 1997-2003, ngành Điện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình, dự án lưới điện và đưa vào vận hành đúng kế hoạch, phát huy hiệu quả tốt như: Công trình TBA 110 kV Đình Trám, các công trình cải tạo, nâng cấp chống quá tải lưới điện, đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa,… Đến hết năm 2003, toàn tỉnh có 225/229 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, hơn 97,92% tổng số hộ dân nông thôn có điện sử dụng.
TBA 110 kV Vân Trung phục vụ nhu cầu điện sản xuất cho Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên). |
Ông Mai Trung Thủy, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang (giai đoạn 2004-2013) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và Điện lực cấp trên, Điện lực Bắc Giang đã hoàn thành tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn giai đoạn 2000-2002 trước kế hoạch 6 tháng; hoàn thành tiếp nhận và bán điện đến hộ dân nông thôn năm 2009 trước kế hoạch 1 năm. Việc ngành Điện tiếp nhận quản lý vận hành lưới điện nông thôn, bảo đảm cho việc chuyên môn hóa trong quản lý kỹ thuật, vận hành. Đây là tiền đề, bước khởi đầu quan trọng cho đầu tư xây dựng lưới điện, phục vụ công nghiệp hóa – xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh về cải thiện môi trường thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, với phương châm đi trước, đón đầu, Điện lực Bắc Giang đã có nhiều giải pháp tích cực. Chủ động phối hợp nắm bắt các quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, làng nghề, dân cư, đô thị, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Ngày 14/4/2010, Điện lực Bắc Giang được đổi tên thành PC Bắc Giang. Giai đoạn này thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ. Ngành Điện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo lưới điện. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh mới có 2 TBA 110 kV, với tổng công suất 105 MVA, đến năm 2023 toàn tỉnh đã có 19 TBA 110 kV với tổng công suất 1.809 MVA, thuộc nhóm các đơn vị đứng đầu của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Cùng với đầu tư bảo đảm điện phục vụ phát triển công nghiệp, Công ty chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, chính quyền cấp huyện trong đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu về điện trong xây dựng nông thôn mới.
Vì sự phát triển của tỉnh
Trong giai đoạn mới, ngoài đảm nhận cấp điện phục vụ phát triển KT-XH với tốc độ tăng trưởng cao, Công ty luôn quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Qua đó đã xây dựng thành công thương hiệu, hình ảnh một doanh nghiệp chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm, thân thiện, lấy lợi ích và sự hài lòng của khách hàng làm thước đo cho mọi hoạt động.
Vận hành Trung tâm điều khiển xa. |
Đồng chí Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc PC Bắc Giang tự hào chia sẻ: “Sự nghiệp xây dựng và phát triển của PC Bắc Giang như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ CBCNV. Cùng sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, sự hợp tác, chia sẻ của khách hàng và đối tác, CBCNV Công ty đã xây dựng và vun đắp lên những trang sử truyền thống vẻ vang của mình trong nửa thế kỷ qua.
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
+ Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004; + Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011; + Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Thế hệ ngày nay đang kế thừa xuất sắc truyền thống vẻ vang đó, tiếp tục đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi thách thức, hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Trong Thư gửi cán bộ, CBCNV PC Bắc Giang (ngày 5/12/2023) nhân dịp 50 năm thành lập, đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Liên tục những năm gần đây công nghiệp của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Song PC Bắc Giang đã tập trung, quyết tâm, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ; tích cực, chủ động tham mưu, đầu tư phát triển lưới điện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng đội ngũ để cung cấp, bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, mang đến sự hài lòng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đóng góp tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng – an ninh của tỉnh”.
50 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều lần đổi tên và mô hình tổ chức, PC Bắc Giang đã có những bước đi vững chắc, vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển và không ngừng lớn mạnh, khẳng định được sứ mệnh của mình và đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Theo Báo Bắc Giang
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thi hành Luật Đất đai 2024: Quản lý chặt chẽ, khơi thông nguồn lực
Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Doanh nhân Trần Đức Cử được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh huyện Hiệp Hòa, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Bắc Giang: Ban hành đơn giá mới bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Tỉnh Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
banner
Chân dung tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Hương