Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Những bài học từ đất nước “Mặt trời mọc”

Thứ Năm, 30 Tháng Mười Một, 2023 116 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Hiện tại, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản với tổng giá trị hơn 32,9 tỷ USD và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 17,2 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến 20/9/2023 đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2022 (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài). Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 27,5 tỷ USD, chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của chính phủ.

Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023) và Việt Nam và Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Báo Bắc Giang giới thiệu đôi nét về những bài học phát triển kinh tế từ Nhật Bản của tác giả Nguyễn Tuấn Anh.

Thực hiện song song các chương trình KHKT

Cốt lõi căn bản trong chiến lược dẫn đầu của Nhật Bản là các chương trình khoa học kỹ thuật (KHKT) phối hợp nhằm mục đích tạo ra những điều kiện để ngành công nghiệp đột phá vào thị trường thế giới. Người ta thường biết đến nhiều hơn cả là đề án thiết kế máy tính thế hệ thứ 5. Mặc dù đề án này giành được sự chú ý đặc biệt của các phương tiện thông tin đại chúng, song thực chất đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Tác giả trong chuyến thăm Nhật Bản.

Các phòng thí nghiệm của chính phủ và các trung tâm KHKT của các công ty Nhật Bản đang vạch ra gần 30 chương trình quốc gia nhằm vào mũi nhọn hàng đầu là: Chế tạo siêu máy tính; chất bán dẫn; động cơ phản lực; các loại hợp kim mới; vật liệu gốm; rô bốt; phát triển công nghệ sinh học; quang điện tử; hệ thống liên lạc qua vệ tinh và sử dụng năng lương mặt trời.

Các chương trình đó được các nhà lãnh đạo công nghiệp Nhật Bản đánh giá là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của đất nước và được Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI), Công ty điện tín và điện thoại (NIT) và Cục Khoa học và Kỹ thuật hỗ trợ về tài chính. Gần đây, nhiều bộ khác như Bộ Bưu điện và Viễn thông, Bộ Giáo dục và Bộ Xây dựng cũng tham gia vào các công trình nghiên cứu và thiết kế.

Mục đích mở cửa thị trường ngoài ý nghĩa để tạo công ăn việc làm mới trong nước, Nhật Bản cố gắng tận dụng việc các công ty nước ngoài tìm mọi cách xâm nhập vào thị trường Nhật. Điều ấy có nghĩa là, nếu không thể né tránh chúng (các công ty nước ngoài) thì phải biết sử dụng chúng cho lợi ích của mình.

Các chương trình KHKT phối hợp của Nhật Bản được thực hiện song song, một mặt để tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị nghiên cứu, mặt khác để thống nhất những nỗ lực chung. Phần lớn các chương trình của MITI được chia làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, MITI đóng vai trò chủ đạo, tổ chức chương trình và đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu. Trong giai đoạn tiếp theo, các phòng thí nghiệm của MITI và các nhà nghiên cứu tư nhân thống nhất với nhau về đặc trưng kỹ thuật cơ bản của các chế phẩm nhằm tạo ra những điều kiện xuất phát như nhau đối với mỗi công ty. Sau khi công nghệ cơ sở được hoàn thiện, MITI đăng ký các bằng sáng chế và chuyển giao giấy phép sử dụng cho các công ty này cạnh tranh với nhau để tìm chỗ đứng trên thị trường.

Chính điều này làm cho các sản phẩm mang nhãn hiệu MADE IN JAPAN luôn đứng ở vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới. Sự cần thiết phải đứng vững trên đỉnh cao tiến bộ kỹ thuật đòi hỏi phải có nguồn bổ sung không ngừng, đều đặn các bằng sáng chế, các sản phẩm và công nghệ mới. Việc tổ chức thực hiện song song các chương trình KHKT bảo đảm cho Nhật Bản luôn đầy đủ số lượng cần thiết những cái mới nhất, tiên tiến nhất cho ngày hôm nay và cho tương lai.

Khuyến khích nhập khẩu có lựa chọn

Từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã bắt đầu chậm chạp mở cửa đối với hàng hoá nước ngoài. Song, việc phân tích cẩn thận cho thấy rằng những ưu đãi thuế suất chủ yếu liên quan đến các loại thực phẩm và hàng hoá có mức chế biến không cao. Sản phẩm của các ngành mới có hàm lượng khoa học cao được bảo vệ bởi hàng rào hạn ngạch nhập khẩu, biểu thuế và các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo.

Cho đến năm 1983, Nhật Bản thay đổi mạnh chính sách. Chiến lược mới đòi hỏi phải khuyến khích đầu tư nước ngoài, xây dựng các xí nghiệp nước ngoài, cấp vốn ưu đãi cho nhập khẩu, cho các nhà nhập khẩu vay vốn đồng Yên ngắn hạn, xem xét lại hệ thống tiêu chuẩn và văn bằng sản phẩm, cải tiến việc phân phối hàng hoá nhập khẩu và bảo đảm thông tin cho các bạn hàng từ phía MITI.

Mục đích mở cửa thị trường ngoài ý nghĩa để tạo công ăn việc làm mới trong nước, Nhật Bản cố gắng tận dụng việc các công ty nước ngoài tìm mọi cách xâm nhập vào thị trường Nhật. Điều ấy có nghĩa là, nếu không thể né tránh chúng (các công ty nước ngoài) thì phải biết sử dụng chúng cho lợi ích của mình. Năm 1983, Ngân hàng phát triển Nhật nhận được nhiều đơn yêu cầu của các công ty nước ngoài và đã cho 13 công ty vay ưu đãi. Năm 1984, Ngân hàng đưa ra một chương trình cho vay mới để tài trợ cho vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành có hàm lượng khoa học cao, nhập khẩu máy vi tính, các thiết bị vi phẫu thuật, dụng cụ y tế và máy cái.

Một đô thị ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, chính sách khuyến khích nhập khẩu của Nhật Bản là có lựa chọn. Nhật Bản thích nhập khẩu hàng hoá có mức chế biến thấp như nguyên liệu và nông sản hoặc các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao mà trong nước không sản xuất (như máy bay phản lực) cũng như nhập khẩu vốn, công nghệ và nguyên cả xí nghiệp nước ngoài nếu tạo ra được công ăn việc làm mới và sản xuất các hàng hoá công nghệ cao. Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản lại hạn chế nhập các thiết bị có hàm lượng khoa học cao đe doạ các ngành khoa học trẻ tuổi của mình như vệ tinh, viễn thông…

Riêng việc nhập khẩu thiết bị điện tử, máy tính và chất bán dẫn (cũng có hàm lượng khoa học cao) lại được khuyến khích vì sản phẩm cùng loại của các công ty Nhật có thể cạnh tranh với hàng nhập. Như vậy, Nhật Bản muốn thu lợi tối đa đầu tư vốn của nước ngoài nhưng lại không phải chịu sự tác động bất lợi do cạnh tranh. Đó cũng là bài học quý báu của người Nhật trong các chiến lược phát triển kinh tế mà Việt Nam ta có thể tham khảo, tiếp thu.

Thông tin nhanh nhất, hiện đại nhất

Trong chiến lược phát triển kỹ thuật và công nghệ hàng đầu ở Nhật Bản, người ta thấy Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp có hai ý tưởng quan trọng là ”tiêm” các công nghệ mới vào và kết hợp hài hoà công nghiệp tư nhân. Còn công ty NTT (một trong những công ty viễn thông hàng đầu của Nhật Bản) lại đưa ra chiến lược ”Thông tin nhanh nhất, hiện đại nhất” được nhiều người ủng hộ. Chương trình ”Hệ thống các mạng thông tin” (SIN) của NTT đặt mục tiêu thiết lập mạng thông tin liên lạc sợi cáp quang giữa các thành phố lớn nhất của Nhật tới tất cả các trung tâm khu vực và các công ty tư nhân.

Ngoài ra, NTT còn có kế hoạch bổ sung cho hệ thống đo mạng thông tin liên lạc vô tuyến truyền hình trực tiếp qua vệ tinh. Việc thực hiện chương trình sẽ tạo nhu cầu mới về các thiết bị viễn thông và dịch vụ với số tiền lên tới 800 tỷ USD. Ngay từ đầu, chương trình đã tạo ra nhu cầu đầu cơ chứng khoán trong các công ty Nhật và nước ngoài sẽ ”làm ăn” trên thị trường phát sinh khi thực hiện chương trình. Do những khoản đầu tư khổng lồ và triển vọng tạo ra nhiều công ăn việc làm và ngành mới, chương trình SIN được gọi là ”đường tàu cao tốc” đối với hệ thống viễn thông – một chương trình giành ưu thế mới đối với Nhật Bản trong những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Một khu công nghiệp ở Nhật Bản.

Chương trình SIN đã tạo cho nước Nhật một hệ thống viễn thông hoàn thiện nhất thế giới. Nó liên kết với công nghệ mới nhất trong lĩnh vực máy tính và liên lạc bằng sợi quang, đánh dấu bước chuyển từ thông tin ngôn từ sang thông tin nghe nhìn.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ khai thác và sử dụng triệt để các máy tính thế hệ thứ năm. Khi SIN được thiết lập “ngôi nhà tương lai” của nước Nhật sẽ được cung cấp đầy đủ các loại thiết bị như máy sao chụp mini và videotek, máy ghi video, dụng cụ đo và kiểm soát từ xa mức hao phí nước và khí đốt, các hệ thống thông tin y tế, hệ thống bảo đảm quá trình mua bán và thanh toán ngân hàng, hệ thống máy tính giảng dạy tại nhà và hệ thống bảo đảm an toàn.

Đồng thời, các văn phòng cũng được trang bị các video mã số để truyền thông tin biểu đồ, thiết bị để tiến hành hội nghị từ xa, hệ thống trả lời video và “bộ nhớ quang”. Các hệ thống đó không chỉ đơn thuần thay thế sự tiếp xúc trực tiếp còn cho phép người Nhật trao đổi thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tuân thủ những “bài học nhỏ” trên chính là bí quyết của thắng lợi góp phần giúp cho người Nhật thực hiện thành công “chiến lược hàng đầu” và luôn là quốc gia đứng trong tốp hàng đầu khiến thế giới phải ngưỡng mộ và nể phục.

Theo Báo Bắc Giang