Mở đường lớn để tăng tốc phát triển

Thứ Ba, 13 Tháng Hai, 2024 126 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Mươi năm trước, nhắc đến Bắc Giang, ai cũng hình dung là tỉnh miền núi nghèo khó, kém phát triển. Quả thật lúc đó, tỉnh Bắc Giang gần như cô lập với Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, chỉ có vài cây cầu kết nối với Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương; đường sá chật hẹp, đi lại khó khăn; hệ thống đường huyện, đường xã, liên thôn chủ yếu là đường đất, nhỏ bé, thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa khô.

Tổng chiều dài đường bộ tỉnh Bắc Giang năm 2010 có 9.867 km, trong đó quốc lộ 251,8 km, đường tỉnh 411,8 km, đường huyện hơn 694 km, đường xã hơn 2.055 km, đường thôn xóm hơn 6.171 km và đường đô thị gần 282 km. Tỷ lệ mặt đường trải bê tông xi măng, bê tông nhựa chiếm gần 35%; đá dăm nhựa hơn 8,4%; cấp phối, đất, gạch chiếm hơn 56,6%.

Cầu vượt 295B trên đường vành đai 4 huyện Việt Yên. Ảnh: Việt Hưng.

Với nhận thức kết cấu hạ tầng là cơ sở vật chất – kỹ thuật nền tảng, thiết yếu bảo đảm cho sự phát triển KT-XH, trong đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính đột phá và phải đi trước một bước tạo ra không gian, động lực mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt, tập trung cao mọi nguồn lực để đầu tư cho giao thông, phá thế cô lập của tỉnh.

Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, như: Nghị quyết số 43 ngày 22/2/2011 trong đó có “Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 113 ngày 22/7/2016 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030…; Kết luận số 352 ngày 10/3/2022 về triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa ba tỉnh Quảng Ninh – Bắc Giang – Hải Dương giai đoạn 2022 -2025.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, đặc biệt là Nghị quyết số 07 ngày 13/7/2017 và Nghị quyết số 06 ngày 11/7/2018 về Chính sách hỗ trợ xi măng để cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh cũng xây dựng hàng loạt quy hoạch, đề án để cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

Kết quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cùng với kết cấu hạ tầng công nghiệp, đô thị là bước đột phá để tạo đà cho Bắc Giang cất cánh trong giai đoạn tới. Chỉ có đường lớn thênh thang thì mới có phát triển nhanh, bền vững và giàu có. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu được hình thành đưa Bắc Giang trở thành một trung tâm công nghiệp mới, là vùng phát triển nông nghiệp hiện đại, là trọng điểm du lịch thể thao (sân golf), sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng.

Trước hết muốn phát triển nhanh, cần liên kết nền kinh tế của tỉnh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn của T.Ư, ưu tiên nguồn vốn của tỉnh để đầu tư hàng loạt cây cầu vượt sông Cầu, nối Bắc Giang với Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, như: Cầu Yên Lư, cầu Đông Xuyên, cầu Hà Bắc 1, cầu Hà Bắc 2… Gần đây đột phá mở rộng cầu Như Nguyệt, triển khai xây dựng cầu Đồng Việt.

Với tinh thần “Đại lộ – đại phú, trung lộ – trung phú, tiểu lộ – tiểu phú, vô lộ – vô phú”, tỉnh đã chủ động trao đổi, hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm mở rộng không gian phát triển, như: Hợp tác với Thủ đô Hà Nội để kết nối sân bay Nội Bài; với hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để kết nối với cảng, biển; với tỉnh Lạng Sơn để kết nối hành lang kinh tế, cửa khẩu Hữu Nghị; với hai tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên để kết nối công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 thành cao tốc với chiều dài 39,7 km, theo quy mô 4 làn xe. Xây dựng các nút giao khác mức trên các quốc lộ, điển hình là nút giao giữa cầu vượt Hùng Vương với cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Quốc lộ 31, quốc lộ 17, quốc lộ 37 từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hoàn thành đường vành đai IV trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị nghiên cứu Đường vành đai V vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, tỉnh đã dồn nguồn lực đầu tư cho các tuyến giao thông trong nội bộ tỉnh. Các tuyến đường tỉnh được nâng cấp đầu tư mở rộng tối thiểu lên cấp III đồng bằng với 100% mặt bê tông nhựa, bê tông xi măng như đường tỉnh 398 (đoạn Đồng Việt – quốc lộ 1), 299B, 297, 298, 296, 299, 295, 295B (đoạn TP Bắc Giang – Cầu Đáp Cầu); 292 (đoạn Cầu Gồ – Mỏ Trạng – Tam Kha, nay là quốc lộ 17); 293; 289 (đoạn Đồng Đỉnh – Chũ – hồ Khuôn Thần); 294 (đoạn Tân Sỏi – cầu Ca); 292 (đoạn thị trấn Kép – thị trấn Phồn Xương); 298 (đoạn Đình Nẻo – Phúc Lâm)…

Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư mở mới nhiều tuyến đường tỉnh để tạo thêm nhiều không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, như: Đường nối quốc lộ 37 – quốc lộ 17- đường tỉnh 292 đoạn Việt Yên- Tân Yên- Lạng Giang (đường tỉnh 398B); đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên – đoạn từ quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn (đường tỉnh 296C); đường nối quốc lộ 37 – quốc lộ 17 – Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (đường tỉnh 294B); đường dẫn và cầu Hà Bắc 2 kết nối với Bắc Ninh (đường tỉnh 398B); cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An- quốc lộ 31- quốc lộ 1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa – Khuôn Thần (đường tỉnh 293C); đường nối đường tỉnh 295 – đường tỉnh 290 (đường tỉnh 290B)…

Các tuyến giao thông đô thị hiện đại đã hoàn thành như: Cầu vượt đường Xương Giang – nối đường Minh Khai với đường Trần Quang Khải; cầu vượt đường Trần Quang Khải bắc qua sông Thương; cải tạo, mở rộng cầu vượt đường Hùng Vương; cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ; xây dựng cầu Á Lữ…

Các huyện đã tập trung nguồn lực cải tạo các tuyến hiện trạng và tuyến đường mở mới kết nối khu vực theo quy hoạch và kế hoạch đã ban hành, bảo đảm chiều rộng mặt đường từ 6m trở lên. Đặc biệt, tỉnh tập trung cao cho việc phát triển giao thông nông thôn. Kết quả trong giai đoạn 2010 – 2023, toàn tỉnh đã thực hiện mở mới hơn 1.813 km; thực hiện cải tạo, nâng cấp hơn 328 km đường huyện, 674 km đường xã và 4.900 km đường thôn, ngõ xóm; nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện lên hơn 97,2%, đường xã lên 98,3%; đường thôn xóm lên 92,7%.

Tổng vốn đầu tư cho phát triển giao thông giai đoạn từ năm 2010 – 2023 (không bao gồm vốn bảo trì và xã hội hóa) là hơn 36.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 2010 – 2015 là 7.850 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 là 13.400 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 2021- 2023 là 15.364 tỷ đồng.

Có thể nói, bộ mặt giao thông của Bắc Giang đã hoàn toàn thay đổi so với 10 năm trước. Các công trình giao thông được đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH của tỉnh. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn đứng nhất nhì cả nước. Riêng năm 2023 đạt 13,45%, đứng thứ nhất toàn quốc.

Quy mô GRDP 2023 ước đạt 181,8 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD; kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 ước đạt 52,4 tỷ USD; thu hút đầu tư cũng luôn ở tốp đầu toàn quốc, tổng thu hút đầu tư năm 2023 đạt kết quả kỷ lục (hơn 3,2 tỷ USD). Đời sống của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa đã thay đổi không ngờ, nhiều vùng quê trù phú với những con đường bê tông rộng mở, những vườn cây trĩu quả, những ngôi biệt thự khang trang mọc lên. Bắc Giang đã dần trở thành nơi đáng sống.

Kết quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cùng với kết cấu hạ tầng công nghiệp, đô thị là bước đột phá để tạo đà cho Bắc Giang cất cánh trong giai đoạn tới. Chỉ có đường lớn thênh thang thì mới có phát triển nhanh, bền vững và giàu có. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu được hình thành đưa Bắc Giang trở thành một trung tâm công nghiệp mới, là vùng phát triển nông nghiệp hiện đại, là trọng điểm du lịch thể thao (sân golf), sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng.

Nguyễn Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh