Nỗ lực cải thiện chỉ số DDCI, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 11 Tháng Ba, 2024 190 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) hoạt động, hằng năm, tỉnh đều tổ chức khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã, TP (DDCI). Căn cứ kết quả thực hiện chỉ số này năm 2023, năm nay, các đơn vị, địa phương tập trung các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần đạt thấp điểm.

Nhiều chỉ số thành phần dưới điểm trung bình

Chỉ số DDCI được UBND tỉnh công bố hằng năm nhằm đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền 10 huyện, thị xã, TP và 20 sở, ban, ngành. Việc đánh giá được thực hiện bằng hình thức online trên cơ sở cộng đồng DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh chấm điểm qua công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong năm.

Cán bộ Sở Y tế hướng dẫn người dân, DN thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ chỉ số DDCI cấp huyện được xác định trên 8 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền; vai trò người đứng đầu. Bộ chỉ số của các sở, ban, ngành cũng đánh giá theo 8 chỉ số như các địa phương song thêm chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh.

Năm 2023, ở khối địa phương, bên cạnh những đơn vị tăng bậc, một số đơn vị có tổng số điểm chỉ số DDCI đạt thấp, nhiều chỉ số thành phần đạt dưới 5 điểm. Ví như các huyện: Tân Yên 53,7 điểm (thấp nhất trong các huyện, thị xã, TP), Lục Ngạn 54,46 điểm, Yên Thế 57,42 điểm. Ở các địa phương này đều có từ 3-5 chỉ số thành phần đạt dưới 5 điểm. Ví như chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý… Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh ở Tân Yên chỉ đạt 2,33 điểm; huyện Yên Thế đạt hơn 4 điểm, giảm so với năm trước. Đối với chỉ số tính minh bạch thông tin, huyện Lục Ngạn chỉ đạt 3,69 điểm; Yên Thế đạt 3,5 điểm…

Ở khối sở, ban, ngành, chỉ số DDCI của Cục Quản lý thị trường xếp cuối cùng bảng xếp hạng với 38,51 điểm. Xếp trước đơn vị này lần lượt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 48,7 điểm; Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh với 53,75 điểm. Đáng lo ngại, 9/20 sở, ban, ngành tỉnh đều có các chỉ số: Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động; tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt dưới 5 điểm. Trong chỉ số tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động, Cục Quản lý thị trường chỉ đạt 1 điểm…

Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho biết: “Năm 2023, điểm số trung vị chỉ số tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của khối sở, ban, ngành chỉ ở mức 5,3 điểm, giảm 0,96 điểm so với năm trước và giảm liên tiếp trong hai năm gần đây. Điều này cho thấy, các DN đánh giá các sở, ban, ngành những năm qua còn bị động trong việc nắm bắt, xử lý vướng mắc cho DN”.

Tích cực nâng hạng

Từ năm 2020 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức đánh giá chỉ số DDCI đối với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, TP. Qua kết quả đánh giá, các đơn vị nhận rõ bất cập, hạn chế trong công tác giải quyết TTHC, từ đó nỗ lực thực hiện các biện pháp cải thiện, nâng hạng chỉ số này. Năm 2023, tỉnh đã phát phiếu khảo sát đối với 4 nghìn DN, HTX và hộ kinh doanh để chấm điểm. Kết quả, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng tổng điểm chỉ số DDCI đạt thấp, nhiều chỉ số thành phần dưới 5 điểm là do người đứng đầu một số đơn vị, địa phương còn thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành. Có đơn vị chưa quan tâm thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN.

Cục Quản lý thị trường tổ chức tập huấn về thực hiện chỉ số DDCI.

Một số DN phản ánh vẫn gặp khó khăn trong việc đăng ký thủ tục hải quan ngoài giờ vì không có cán bộ hỗ trợ, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần; công tác đối thoại trực tiếp với DN của ngành Hải quan còn hạn chế. Cục Quản lý thị trường chưa cung cấp đầy đủ thông tin trên cổng thông tin điện tử của đơn vị theo quy định khiến DN khó nắm bắt thông tin. Tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm khiến DN khó tiếp cận đất đai.

Năm nay, tỉnh tiếp tục phát phiếu khảo sát cho 4 nghìn DN, HTX, hộ kinh doanh để đánh giá công tác xử lý TTHC của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Kết quả sẽ được công bố vào cuối năm.

Trước thực tế trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại hội nghị công bố chỉ số DDCI cuối năm 2023, ngay từ đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị đã phát động phong trào thi đua nâng hạng chỉ số DDCI. Những đơn vị xếp ở vị trí cuối bảng như: Tân Yên, Lục Ngạn, Yên Thế; Cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh… đã tổ chức hội nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân từng chỉ số thấp điểm để có các biện pháp cải thiện.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, giao các phòng liên quan chịu trách nhiệm việc nâng điểm các chỉ số đạt thấp. Cùng đó, thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ kịp thời. Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho DN, bố trí thêm cán bộ làm việc ngày nghỉ, ngoài giờ.

Còn tại huyện Tân Yên, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Yêu cầu người đứng đầu các phòng chức năng nêu cao vai trò, trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tạo niềm tin đối với DN.

Đặc biệt, xác định việc xử lý TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường thường chiếm tỷ lệ cao nên năm nay, huyện tập trung tiếp nhận hồ sơ, cập nhật theo ngày. Từ đầu năm đến nay, Tân Yên đã tiếp nhận khoảng 1 nghìn hồ sơ thuộc lĩnh vực này, thực hiện nghĩa vụ tài chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Đặc biệt để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai, huyện kiện toàn ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, phân công các thành viên phụ trách dự án và kiểm điểm tiến độ theo từng tuần.

Với mục tiêu nâng tổng điểm DDCI, các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Sơn Động cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ DN, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án bảo đảm lộ trình, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Được biết, năm nay, tỉnh tiếp tục phát phiếu khảo sát cho 4 nghìn DN, HTX, hộ kinh doanh để đánh giá công tác xử lý TTHC của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Kết quả sẽ được công bố vào cuối năm nay .