Phát huy tính sáng tạo, bảo đảm tính kết nối giữa các quy hoạch

Thứ Ba, 4 Tháng Sáu, 2024 136 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Thời gian qua, các đơn vị, địa phương tỉnh Bắc Giang đã quan tâm áp dụng Luật trong thực tiễn công tác quy hoạch, xây dựng. Tuy nhiên, hiện việc áp dụng Luật vẫn còn điểm hạn chế; kiến trúc đô thị, nông thôn trên địa bàn theo đó còn những bất cập.

Nhiều công trình, khu đô thị, khu dân cư hiện đại

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Bắc Giang có sự bứt phá, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23,7%. Diện mạo đô thị có chuyển biến rõ rệt, không gian, kiến trúc, cảnh quan ngày càng hiện đại, đồng bộ; môi trường không ngừng cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đô thị văn minh, sáng – xanh – sạch – đẹp. Các khu phố từng bước được chỉnh trang, cải tạo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tăng không gian xanh, không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một góc TP Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Nhiều khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC), chung cư mới hiện đại, công trình kiến trúc, tạo không gian sống, vui chơi và tổ chức các sự kiện lớn hình thành như: KĐT phía Nam TP Bắc Giang; KĐT Bách Việt Lake Garden (TP Bắc Giang); KĐT TNR Stars Thắng City (Hiệp Hòa); KDC mới phía Đông Bắc phường Bích Động (Việt Yên); KĐT phía Tây, Đông, thị trấn Vôi (Lạng Giang); các công trình kiến trúc lớn như: Nhà thi đấu thể thao, Trung tâm Văn hóa – Triển lãm, cầu Á Lữ (TP Bắc Giang)… được xây dựng. Ngoài công năng là nơi ở, nơi tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, với các nét kiến trúc thiết kế đa dạng, hiện đại, được xây dựng trong các không gian quy hoạch hài hòa, hợp lý… các công trình kiến trúc của Bắc Giang còn là điểm tham quan hấp dẫn, trở thành những biểu tượng mới của tỉnh, tô đẹp thêm không gian đô thị.

Đạt kết quả trên là do thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Sở Xây dựng đã thực hiện khá tốt công tác quản lý nhà nước về kiến trúc công trình. Việc theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng được thực hiện nghiêm túc thông qua khâu thẩm định dự án.

Ngoài ra, đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình quan trọng, là điểm nhấn đô thị và trên các tuyến đường chính được thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc. Ví như một số công trình: Nhà thi đấu thể thao, Trung tâm Văn hóa – Triển lãm, Nhà làm việc liên cơ quan mới của tỉnh, cầu Á Lữ (TP Bắc Giang); sân vận động, Trung tâm hội nghị (thị xã Việt Yên) và một số công trình điểm nhấn khác tại các đô thị trung tâm các huyện, thị xã, TP…

Đưa Luật Kiến trúc vào cuộc sống

Theo ông Vũ Danh Tuyên, Trưởng Phòng Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, dù đạt nhiều kết quả song việc áp dụng Luật Kiến trúc trên địa bàn tỉnh còn điểm hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn còn mang tính tự phát. Cụ thể, khu vực trung tâm xã và các trục đường chính bị chia lô, cắt thửa, hình thành loại hình nhà ở liền kề kết hợp thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đô thị hóa nhanh, dẫn đến thiếu kiểm soát về kiến trúc.

Phối cảnh công trình Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh.

Các KDC mật độ cao dọc các trục giao thông chính (quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã…) tạo mật độ xây dựng lớn. Kiến trúc nhà tự xây không thống nhất, thiếu tính thẩm mỹ. Về tổng thể, kiến trúc cảnh quan vùng nông thôn chưa có đặc trưng riêng. Nguyên nhân là do các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về kiến trúc khu vực nông thôn hiện nay còn hạn chế dẫn đến việc triển khai công tác quản lý ở địa phương còn bất cập.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Toàn, Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ vùng trung du và miền núi phía Bắc cho rằng, đô thị tại Bắc Giang (đặc biệt là các khu chung cư cao tầng) có một số bất cập như: Tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước thấp; hệ thống tiêu, thoát nước chưa đồng bộ khiến úng ngập cục bộ vẫn diễn ra; thiếu bãi gửi xe và không gian công cộng; mặt cắt đường và vỉa hè nhiều KDC nhỏ hẹp; khoảng lùi của nhiều tuyến cửa hàng liền kề (shop house) bám trục giao thông chính vừa không an toàn vừa khó kinh doanh vì không có vỉa hè lớn hoặc đường gom; các công viên, khuôn viên nên bỏ hàng rào để tăng tính tương tác giữa con người với không gian xanh…

{keywords}

Đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định, quy chuẩn về kiến trúc, quy hoạch để tham mưu UBND tỉnh đưa vào áp dụng, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Quá trình lập quy hoạch phát huy tính sáng tạo, cập nhật các xu hướng mới, bảo đảm sự phù hợp, tính kết nối hợp lý giữa các quy hoạch. Tiếp tục đổi mới tư duy trong kiến trúc, quy hoạch và quản lý quy hoạch… Quan tâm quy hoạch và phát triển đô thị, xây dựng các công trình kiến trúc có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian…”.Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng.

Để Luật Kiến trúc ngày càng đi vào cuộc sống, vừa qua, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và các địa phương tăng cường thi hành luật này và thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định, quy chuẩn về kiến trúc, quy hoạch để tham mưu UBND tỉnh đưa vào áp dụng, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế tại tỉnh. Quá trình lập quy hoạch phát huy tính sáng tạo, cập nhật các xu hướng mới, bảo đảm sự phù hợp, tính kết nối hợp lý giữa các quy hoạch. Tiếp tục đổi mới tư duy trong kiến trúc, quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác phát triển đô thị và quản lý đô thị.

Quan tâm quy hoạch và phát triển đô thị, xây dựng các công trình kiến trúc có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian. Trong đó, hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung được đặc biệt quan tâm và ưu tiên. Cùng đó, Sở tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, xây dựng các trung tâm giám sát, điều hành đô thị; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số.

Theo Báo Bắc Giang