Quán triệt Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân

Thứ Sáu, 10 Tháng Năm, 2024 100 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T,Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Minh Khái, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận hội nghị.

Ảnh: Internet

Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng các ban, cơ quan, đơn vị của Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; thủ trưởng các sở, cơ quan, đơn vị; Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đã trình bày báo cáo các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41-NQ/TW. Báo cáo nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW như: Sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội chưa cao…

Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 41- NQ/TW đề ra các nhóm quan điểm cụ thể, mở rộng hơn vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân so với Nghị quyết số 09-NQ/TW.

Về mục tiêu, Nghị quyết số 41- NQ/TW đề ra các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể hơn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 nêu rõ: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Từ các mục tiêu, Nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đáng chú ý, ngoài việc kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41 đã bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới; trong đó, nhiều nội dung đổi mới, hoàn thiện hơn, đáp ứng quan điểm, mục tiêu và tình hình thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trong Chương trình hành động ban hành ngày 9/5/2024 vừa qua, Chính phủ đề ra mục tiêu: Giai đoạn từ nay đến năm 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 – 70% GDP cả nước, khoảng 32 – 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 – 99% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…

Quán triệt Nghị quyết sâu rộng

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 41-NQ/TW; khẳng định vai trò, biểu dương những kết quả mà đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đạt được thời gian qua. Từ đó đề nghị toàn hệ thống chính trị và xã hội nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân…

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đồng chí đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm Nghị quyết được triển khai sâu rộng, thực chất, chuyển biến thành kết quả phát triển hiện thực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, phát triển của đất nước thời gian tới…

Theo Báo Bắc Giang