Tầm quan trọng của pháp lý trong giao thương quốc tế và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam

Thứ Ba, 2 Tháng Bảy, 2024 129 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những bước tiến chắc chắn trong hoạt động kinh doanh quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và cộng đồng quốc tế nếu doanh nghiệp cẩn trọng và chú ý nhiều hơn đến yếu tố pháp lý.

Ảnh minh họa
 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Trước sự biến động phức tạp trên thị trường quốc tế, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của yếu tố pháp lý, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang chịu đựng nhiều biến động khó lường.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2024”, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ có sự phục hồi nhẹ nhàng với tỷ lệ tăng trưởng ước tính là 2,7% trong năm nay và 2,8% trong năm sau. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về những yếu tố tiềm ẩn có thể làm suy giảm triển vọng kinh tế, như lãi suất chính sách cao ở các nền kinh tế lớn và những căng thẳng địa chính trị cũng như rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng.

Việt Nam, dù được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch, vẫn phải đối mặt với ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ những yếu tố này. Sự chuyển đổi số và bước vào kinh tế số mang đến cơ hội cũng như thách thức mới, yêu cầu doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên sâu hơn về pháp lý.

“Trong giao thương quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam lại quan tâm nhiều đến doanh thu, giá cả, bán hàng, lợi nhuận… mà ít chú ý đến vấn đề về pháp lý, đối tác… nên rất có thể xảy ra tranh chấp, rủi ro. Trong khi đó, theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) về năng lực cạnh tranh thì chỉ số về thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp là một trong những chỉ số quan trọng. Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều tiến bộ để cải thiện chỉ số này nhưng trong tương quan chung với thế giới thì xếp hạng vẫn tương đối thấp. Vì thế, việc cải thiện chỉ số thực thi hợp đồng và xử lý tranh chấp là một yêu cầu quan trọng, cần nhiều nỗ lực của các bên liên quan.”, ông Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng về các vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Những tranh chấp, rủi ro có thể xảy ra do sơ xuất trong việc không chú ý đến các vấn đề về pháp lý, đối tác khi kinh doanh trên môi trường quốc tế.

Để giảm thiểu những rủi ro này, ông khuyên các doanh nghiệp nên tăng cường năng lực tham gia vào các giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hoà giải. Trong khi trên thế giới, hơn 90% các tranh chấp xuyên biên giới về thương mại và đầu tư được giải quyết qua các phương thức này, VIAC đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả của các hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, trong suốt 30 năm qua, dù nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhưng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã luôn đóng góp vào việc phòng ngừa rủi ro pháp lý, quản lý và giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với các giao dịch thương mại và đầu tư có yếu tố quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”. Thúc đẩy hoạt động của các trọng tài thương mại không chỉ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài mà còn hướng tới một mục tiêu xa hơn là đưa Việt Nam trở thành một lựa chọn của việc giải quyết các tranh chấp trọng tài thương mại.

Về mặt công nghệ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc áp dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp thương mại sẽ giúp tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên liên quan. Các hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến và các nền tảng điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch và công bằng trong xử lý các tranh chấp.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng để thành công trong việc áp dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp, cần có sự đảm bảo về các yếu tố giao kết, thực hiện hợp đồng và cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả.

“Ở góc nhìn vi mô, hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Vì thế, mới đây, việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập