Tân Yên: Nâng cấp đồng bộ hạ tầng đón nhà đầu tư

Thứ Sáu, 8 Tháng Chín, 2023 247 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Huyện Tân Yên tiếp giáp TP Bắc Giang và các huyện phát triển công nghiệp, đô thị như: Việt Yên, Hiệp Hòa. Giao thông thuận lợi, quỹ đất rộng, nguồn lao động dồi dào là những lợi thế để địa phương tăng sức cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phát triển công nghiệp.

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển công nghiệp. Trên địa bàn huyện quy hoạch 4 khu công nghiệp (KCN): Phúc Sơn, Thượng Lan – Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Ngọc Thiện và 8 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 1,2 nghìn ha. Ngoài ra, tại mỗi xã, thị trấn có từ 1-2 điểm công nghiệp – dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng khu, CCN đang được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung thực hiện để có mặt bằng sạch, thu hút DN vào đầu tư.

Hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Đình được đầu tư đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông khu vực trung tâm huyện Tân Yên.

Đến nay, huyện Tân Yên có 579 DN đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 12 nghìn lao động với mức lương từ 6,2 triệu đồng/người/tháng trở lên.

UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến DN, hộ kinh doanh như: Đăng ký chứng nhận kinh doanh, đăng ký kê khai thuế, thủ tục thuê đất… Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường giải quyết thủ tục hành chính theo phương châm “4 tại chỗ” tại bộ phận một cửa.

Cùng đó, huyện quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện và ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Đồng hành với DN, hằng năm, lãnh đạo huyện gặp gỡ, đối thoại với đại diện DN, hợp tác xã trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư.

Hiện nay, hai CCN Đồng Đình và Lăng Cao thu hút hàng chục dự án đầu tư, tạo việc làm cho gần 5 nghìn lao động. Hằng năm, giá trị sản xuất của các DN trong CCN đạt khoảng 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện, tạo động lực cho phát triển KT-XH vùng phụ cận. Nổi bật là CCN Đồng Đình, thị trấn Cao Thượng đang có 11 DN đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, điện tử. Nhiều DN nước ngoài hoạt động hiệu quả.

Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình, thị trấn Cao Thượng giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Đỗ Quyên.

Được thành lập từ năm 2007, Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất hàng thời trang xuất khẩu; tạo việc làm cho hơn 1,5 nghìn lao động. Bên cạnh thực hiện tốt chính sách thuế, Công đoàn Công ty quan tâm ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự Công ty cho biết: Ngoài mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng, người lao động còn được khen thưởng khi đạt thành tích cao trong sản xuất và hưởng đầy đủ chế độ phúc lợi theo quy định.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Yên xác định phát triển công nghiệp là động lực chính để tăng trưởng KT- XH. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để giải phóng mặt bằng tại các khu, CCN đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Yên xác định phát triển công nghiệp là động lực chính để tăng trưởng KT- XH. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các CCN nhằm quản lý chặt chẽ hơn về môi trường. Vì vậy UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để giải phóng mặt bằng tại các khu, CCN đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư.

Mục tiêu giai đoạn này là thu hút nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng 4 KCN: Phúc Sơn, Thượng Lan – Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Ngọc Thiện; nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy khoảng 80% diện tích tại 2 CCN Đồng Đình và Lăng Cao; khoảng 20% diện tích các CCN khác. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, giá trị công nghiệp chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch gắn với tuyên truyền chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp của huyện. Tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất, nguồn nhân lực và hệ thống giao thông kết nối vùng để thu hút đầu tư vào các khu, CCN.

Ưu tiên mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng, các dự án vốn đầu tư nước ngoài, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động địa phương. Cùng đó, quan tâm thu hút DN thực hiện dự án dân cư đô thị, trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn; dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm, viễn thông gần các khu, CCN nhằm đáp ứng tiện ích xã hội cho người lao động cũng như chuyên gia nước ngoài.

Huyện quan tâm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ. Trong đó chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn trên địa bàn để tăng khả năng kết nối với các huyện trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ cho DN. Đồng thời duy trì đối thoại với DN nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo Báo Bắc Giang