Tạo điều kiện thuận lợi để khơi thông nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp

Thứ Tư, 22 Tháng Năm, 2024 122 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tạp chí DNHN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu.

Hiện nay, Nhà nước có 1 số cơ chế ưu đãi hỗ trợ đối tượng là DNNVV Việt Nam. Ví dụ như Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng có một thực tế là hiện nay, 98% doanh nghiệp cả nước là DNNVV, tức khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp nên việc lập những quỹ như vậy được nhiều chuyên gia nhận định là như “muối bỏ biển”. Vậy ông có nhận xét gì về thực tế này và liệu các Quỹ đã thực sự hoạt động hiệu quả với 98% đối tượng DNNVV hay chưa?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là hiện nay DNNVV chiếm khoảng 98% tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong số các DNNVV đó thì theo tính toán của tôi, có lẽ không quá 40% các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng, rồi các quỹ của Chính phủ. Còn phần còn lại thì không có cách nào để tiếp cận các nguồn vốn để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Chính vì thế, vấn đề tiếp cận nguồn vốn, vấn đề cung cấp vốn cho các DNNVV là hết sức cấp thiết, nhất là trong năm 2024, năm có rất nhiều biến động tài chính toàn cầu ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang nằm ở mức tương đối còn nhiều vấn đề và rất mong rằng nửa năm sau của 2024, tình hình kinh tế sẽ khả quan hơn và đặc biệt các DNNVV sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ.

Hiện nay, chúng ta đang có 2 quỹ mà các DNNVV rất quan tâm, là Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng là quỹ bảo lãnh mang tính địa phương và được thành lập theo Nghị định số 34 của Chính phủ năm 2018 nhưng lại không hoạt động một cách hiệu quả. Thứ nhất, vốn điều lệ cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng này rất nhỏ bé, không đủ để có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp đi vay vốn tại các ngân hàng. Thứ hai, có hiện tương tiêu cực từ việc bảo lãnh tín dụng do một số doanh nghiệp bắt tay với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng để có thể vay tiền từ các ngân hàng, đến khi vay được rồi thì lại xù nợ và buộc các quỹ bảo lãnh đó phải bồi thường cho các ngân hàng.

Với hiện tượng tiêu cực như thế, cùng số vốn điều lệ rất nhỏ bé và đặc biệt nữa trong Nghị định số 34 về quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có một điều có thể làm cản trở việc phát triển các Quỹ Bảo lãnh tín dụng, đó là việc phải tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn. Tức là nếu để mất vốn điều lệ mà chính quyền địa phương đã cung cấp thì các lãnh đạo và quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương phải tự chịu trách nhiệm, mà nếu như thế thì không một Quỹ Bảo lãnh tín dụng nào dám bảo lãnh cho các doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng.

Khi làm việc tại Mỹ, tôi biết được rằng ở nước họ cũng có 1 cơ quan của liên bang gọi là Small Business Administration- là cơ quan bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho các DNNVV vay. Quỹ Bảo lãnh tín dụng đó khi bảo lãnh và bồi thường cho các ngân hàng thì sẽ phải dùng vốn điều lệ của quỹ để bồi thường. Do vậy, mỗi năm Quốc hội sẽ bổ sung vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng đó.

Còn tại Việt Nam, chúng tay hiểu rằng Quỹ Bảo lãnh tín dụng là để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng và chính vì thế sẽ phải bồi thường cho ngân hàng. Nếu ngân hàng cho vay ra mà không nhận lại nợ từ cácDNNVV, và nếu chúng ta bắt buộc Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải tuân thủ việc bảo toàn vốn thì điều này không hợp với thực tế.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ là quỹ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quỹ này cũng đang hoạt động rất cầm chừng. Trước đây thì các quỹ này cho vay các DNNVV với hình thức là gián tiếp (các quỹ này làm việc với ngân hàng) để các ngân hàng có thể cho vay các DNNVV rồi quỹ đó đưa tiền cho các ngân hàng (tài trợ nguồn vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay trực tiếp) và trong hình thức cho vay gián tiếp như thế thì Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không phát triển một cách tốt được. Chính vì thế hiện tại Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động rất cầm chừng. Chính tôi cũng đã làm việc với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để chuyển đổi hình thức cho vay từ gián tiếp sang vay trực tiếp. Tôi và một cố vấn khác đã hoàn thành việc thay đổi quỹ để quỹ có thể cho vay trực tiếp nhưng đến thời điểm hiện tại thì việc vay trực tiếp vẫn chưa được Chính phủ phê chuẩn.

Chính vì thế mà cả Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa làm việc rất cầm chừng, trong khi các DNNVV lại rất cần vốn. Cho nên, chúng ta cần phải có một phương án, một kế hoạch để thúc đẩy việc phát triển 2 quỹ đó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việc tiếp cận vốn doanh nghiệp hiện nay vấn rất khó khăn, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, năng lực còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tiếp cấn vốn thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa phát huy được nhiều hiệu quả. Vậy ông lí giải như nào về thực trạng này, và tại sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn đến thế?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các DNNVV là những doanh nghiệp rất cần vốn hoạt động. Thứ nhất là vốn lưu động, thứ hai là vốn đầu tư nhưng lại không tiếp cận được các nguồn vốn ở các ngân hàng. Câu trả lời cho điều này rất rõ ràng. Thứ nhất, các DNNVV không đủ tài sản bảo đảm, không có tài sản thế chấp để vay tiền. Thứ hai, nhiều DNNVV không có các phương án hoạt động khả thi để có thể thuyết phục ngân hàng vay tiền. Thứ ba, điều kiện kinh tế hiện tại cũng còn đang khó khăn, thành ra các DNNVV là những doanh nghiệp mà các đầu ra còn hạn chế, tức là họ không có những đơn đặt hàng.

Nếu doanh nghiệp không có những đơn đặt hàng đủ thì đương nhiên phải bơm tiền vào cho họ để họ mua nguyên lật liệu, để họ trả lương cho người lao động, để họ sản xuất kinh doanh, trong khi đó hàng có thể có nhưng lại không bán ra được, họ không có đầu ra thì đến cuối cùng họ sẽ không trả được nợ, và sẽ đi vào tình trạng là nợ xấu. Từ đó các ngân hàng sẽ tẩy chay họ. Thành ra, hiện tại các DNNVV đang ở trong tình trạng hết sức là khó khăn. Điều này đặt ra vấn đề là chúng ta nên giải quyết như thế nào?

Thứ nhất, tôi đề nghị là Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo Nghị định số 34 thì phải chuyển đổi thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia. Tức là với Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo Nghị định số 34 vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ, và với vốn điều lệ này thì có thể bảo lãnh cho 3 đến 4 doanh nghiệp lớn là hết. Thành ra, phải chuyển đổi Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương với vốn nhỏ thành một Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia. Và quỹ này tôi đề xuất phải có vốn điều lệ lên 10 nghìn tỷ (gấp 3 lần vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại). Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia có vốn điều lệ lớn đến thế mới có thể bảo lãnh nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc chứ không phải tại các địa phương nữa. Thứ hai, đó là nguyên tắc bảo toàn vốn tại quy định về Quỹ Bảo lãnh tín dụng có lẽ cần thay đổi. Nếu các Quỹ Bảo lãnh tín dụng mà phải chấp nhận, phải thực hiện theo nguyên tắc bảo toàn vốn thì không có Quỹ Bảo lãnh tín dụng nào dám bảo lãnh cho các ngân hàng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng. Thành ra, tôi đề nghị phải thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia với nguồn vốn lớn và thay đổi nguyên tắc làm việc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Về Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi rất mong Ngân hàng nNà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và tất cả các cơ quan đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phê chuẩn chương trình chuyển đổi từ cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp. Chương trình đó cần phải được phê chuẩn sớm để Chính phủ có thể ban hành. Khi Chính phủ ban hành chương trình đó thì các DNNVV cũng sẽ được tiếp cận một nguồn vốn đáng kể. Một điều quan trọng là ngay cả Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vốn điều lệ của quỹ cũng phải được tăng cường rất lớn để có tiền cho vay trực tiếp doanh nghiệp.

Tôi cũng mong rằng Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm việc chung với nhau để Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cho vay ra có thể được bảo đảm bởi Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Quỹ Bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể cho vay các doanh nghiệp. Đó là những việc mà tôi nghĩ cần phải làm ngay và không thể chậm chễ được.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước ta
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước ta.

Hiện các quỹ hỗ trợ tín dụng đều đang thông qua ngân hàng. Mà để ngân hàng cấp vốn thì phải đảm bảo nhiều yếu tố. Vậy thưa ông, việc xếp hạng tín nhiệm hiện nay liên quan gì đến khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước ta, góp phần quan trọng như tạo việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn thông qua xếp hạng tín nhiệm là một bước đà để phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong thị trường hội nhập đầy cạnh tranh hiện nay. Đối với các ngân hàng thương mại, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng, minh bạch nhằm căn cứ trong việc xét duyệt doanh nghiệp vay vốn.

Việc xếp hạng tín nhiệm cũng là một vấn đề mà có lẽ chúng ta phải thực hiện một cách nhanh chóng. Như chúng ta biết, trên thế giới có Standard & Poor’s (S&P), Moody’s, Fitch Ratings là những công ty về xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu và họ chỉ xếp hạng tín nhiệm cho những doanh nghiệp lớn mà thôi. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có 3 công ty xếp hạng tín nhiệm, đó là Sài Gòn Phát Thịnh Ratings, Fiin Ratings và mới đây Bộ Tài chính cũng đã phê chuẩn 1 công ty thứ 3 là VIS Ratings. Với 3 công ty xếp hạng tín nhiệm như thế thì dĩ nhiên các doanh nghiệp sẽ được hưởng việc xếp hạng tín nhiệm. Nhưng phần lớn, các doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng để xếp hạng tín nhiệm, trước hết là phải có báo cáo tài chính, rồi doanh thu, quy mô hoạt động cũng phải lớn. Còn các DNNVV thì có lẽ vẫn chưa với tới hoặc vẫn chưa nằm trong đối tượng của các công ty xếp hạng tín nhiệm trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Cho nên, tôi đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) nên xây dựng một hệ thống xếp hạng tín nhiệm cho các DNNVV và tôi sẵn sàng cùng các chuyên gia tài chính có thể hỗ trợ VINASME để xây dựng 1 hệ thống chấm điểm tín dụng. Chúng ta cần biết, bước khởi đầu là chấm điểm tín dụng, tức là tất cả các doanh nghiệp đều được chấm điểm tín dụng và tuỳ theo điểm đó thì sẽ được xếp hạng. Việc chấm điểm tín dụng đơn giản hơn xếp hạng tín nhiệm. Vì xếp hạng tín nhiệm cần phải quan tâm vấn đề kinh tế vi mô rồi rủi ro ngành nghề của doanh nghiệp đó, rủi ro tài chính của doanh nghiệp đó, rủi ro quản trị của doanh nghiệp đó. Thành ra nếu nói về việc xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp thì tôi nghĩ rằng, có lẽ chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng và quy mô để có thể xếp hạng tín nhiệm. Còn với DNNVV có lẽ chỉ cần chấm điểm tín dụng, điều này tương đối đơn giản với bất cứ doanh nghiệp nào.

Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp khó trong việc nhận vốn từ các Quỹ. Vậy theo ông, ngoài việc các Quỹ phải thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tiễn doanh nghiệp như ông đã nói ở trên, thì về phía DNNVV cũng cần phải làm gì để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta biết rằng trong tương lai có thể có những quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có sự cải tiến để họ có thể vay vốn được.

Việc đầu tiên của một doanh nghiệp là họ phải có một kế hoạch, một phương án kinh doanh. Còn một doanh nghiệp mà không có phương án kinh doanh, làm việc và hoạt động theo kiểu tới đâu hay tới đó, khi nào cần mới đi huy động vốn, mới đi vay vốn ngân hàng, rồi làm việc theo kiểu nước đến chân mới nhảy thì không thể được. Nếu mà hoạt động như thế thì họ không bao giờ có thể vay được những nguồn vốn phù hợp với nhu cầu. Chính vì thế, một doanh nghiệp muốn đi vay vốn phải có một phương án kinh doanh. Để làm được điều đó, đầu tiên là doanh nghiệp phải có một bộ báo cáo tài chính chuẩn mực. Nếu doanh nghiệp không có được báo cáo tài chính kiểm toán thì có thể sử dụng những báo cáo thuế và những báo cáo tài chính tự biên soạn. Trong toàn bộ hệ thống một báo cáo tài chính gồm có báo cáo tài sản, rồi báo cáo về kết quả kinh doanh và báo cáo về dòng tiền. Đó là những báo cáo trụ cột của một báo cáo tài chính. Và nếu một doanh nghiệp nếu chỉ có báo cáo thuế thì có thể dùng báo cáo thuế đó để lên một kế hoạch kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ rằng, tốt nhất là doanh nghiệp nên có một đơn vị về kế toán độc lập để họ có thể giúp làm sổ sách, xây dựng các báo cáo tài chính chuẩn mực, và tốt nhất thì nên có báo cáo tài chính được kiểm toán. Với báo cáo tài chính như thế thì ít nhất, doanh nghiệp có thể trình bày ra hiện trạng về tài chính của mình thế nào, tình hình doanh thu thế nào, tình hình lời lỗ thế nào, sự di chuyển dòng tiền của doanh nghiệp như thế nào.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải lên một phương án hoạt động, và phương án hoạt động đó có thể từ 3 cho đến 5 năm và trong phương án hoạt động đó có thể dùng 3 mẫu của báo cáo tài chính (báo cáo tài sản, báo cáo về kết quả kinh doanh và báo cáo về dòng tiền) để có thể lên một Financial Projection (dự báo tài chính). Và nếu không làm được, doanh nghiệp nên tìm đến các chuyên gia và các nhà làm kế toán để có thể giúp xây dựng nên một báo cáo tài chính. Nói chung là doanh nghiệp phải làm nên một báo cáo kinh doanh, phải có dự báo về báo cáo tài chính cho 3-5 năm tới. Tất cả các tài liệu đó phải đi kèm với sự diễn tả về thị trường của mình như thế nào, sản phẩm của mình như thế nào, đáp ứng thị trường hay không, rồi ban quản lý của mình thế nào, trình độ của người lao động như thế nào. Tất cả các điều đó nằm ở trong phương án kinh doanh mà khi có phương án kinh doanh rồi thì có thể trình bày cho ngân hàng, và nếu ngân hàng không chấp nhận thì có thể đưa phương án kinh doanh đó cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để vay vốn hoặc đưa lên cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng để họ chấp thuận và tìm ngân hàng vay tiền.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi.

Bảo Trinh (thực hiện)

Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Hội nhập