Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chuyển đổi số

Thứ Tư, 10 Tháng Bảy, 2024 81 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ban Chỉ đạo (BCĐ) Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (gọi tắt là Ủy ban) chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06/CP).

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các thành viên của Ủy ban; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; lãnh đạo các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông. Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, TP.

Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Mai Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐ CĐS tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CĐS tỉnh. Cùng dự có các đồng chí thành viên BCĐ tỉnh.

Đạt nhiều kết quả nổi bật

6 tháng đầu năm, công tác CĐS quốc gia đạt nhiều kết quả nổi bật. Dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42%. Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08%, vượt mục tiêu đề ra.

Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online. Cũng trong 6 tháng qua, lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam.

Tổ công tác Đề án 06/CP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện 5 nhóm vấn đề “pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai”. Tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ là 46,36%; cấp địa phương là 58,12%. Bộ Công an tích cực phối hợp, hỗ trợ làm sạch, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành.

Tại hội nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số và thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06/CP. Cùng đó thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ, khắc phục những điểm nghẽn, hạn chế. Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thành kế hoạch đề ra.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tại tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, BCĐ CĐS tỉnh, Tổ công tác Đề án 06/CP đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS, cung cấp và nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kho dữ liệu số của tỉnh tích hợp 39 danh mục dữ liệu dùng chung, 92 danh mục dữ liệu mở. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối 17 dịch vụ đến các bộ, ngành T.Ư. Các sở, ngành tích cực nghiên cứu, phát triển ứng dụng chuyên ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh thu thập 2.034.961 dữ liệu công dân và được lực lượng công an làm sạch theo đúng quy định. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập đã có thiết bị, phần mềm kết nối và máy đọc QR code; tra cứu hơn 2,3 triệu lượt qua căn cước công dân phục vụ làm thủ tục.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể của CĐS

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả các cấp, ngành, địa phương đạt được trong thời gian qua; sự vào cuộc, chỉ đạo tích cực của các đồng chí thành viên Ủy ban quốc gia về CĐS và Tổ công tác Đề án 06/CP. Thủ tướng nhấn mạnh, CĐS đã đến từng ngõ, gõ từng nhà và thấm nhuần trong từng người; qua đó góp phần tạo động lực phát triển mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các bộ, địa phương chưa ban hành kế hoạch CĐS.

Theo Thủ tướng Chính phủ, kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ là người đứng đầu phải vào cuộc với quyết tâm cao, hành động quyết liệt; triển khai nhiệm vụ theo phương châm làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với phương châm rõ người, rõ việc và thời gian thực hiện; tăng cường phối hợp trong chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thể chế, mạnh dạn thí điểm những mô hình, cơ chế mới. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra giám sát. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả từ CĐS mang lại và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về mục  đích, vai trò, tầm quan trọng của CĐS. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương và chia sẻ với các đơn vị, địa phương. Yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan để thúc đẩy tư duy, cách tiếp cận của người lãnh đạo trong quá trình CĐS; từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo điều hành và bố trí nguồn lực thực hiện. Thống nhất tinh thần chỉ có bàn làm, không bàn lùi.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, còn tồn đọng trong giai đoạn 2022 – 2024. Đẩy mạnh số hóa và làm giàu dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về thương mại điện tử. Tăng cường phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hạ tầng phục vụ giao dịch điện tử và sớm triển khai các dịch vụ công trực tuyến còn lại. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CĐS, trong đó quan tâm đào tạo CĐS cho các đồng chí lãnh đạo các cấp. Quan tâm phát triển các nền tảng số, dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Đối với mỗi bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể. Trong đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích; Chỉ thị về việc xây dựng Đề án CĐS của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ hoàn thành hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, nhất là việc lưu trữ điện tử, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính để công bố triển khai vào ngày 27/7.

Ngay sau hội nghị của Chính phủ, đồng chí Lê Ánh Dương điểm lại một số kết quả nổi bật mà tỉnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua về CĐS. Để công tác CĐS tiếp tục phát huy hiệu quả, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo Kết luận số 243/TB-UBND ngày 24/6/2024 của UBND tỉnh về Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn tại hội nghị sơ kết đánh giá tình hình, kết quả 6 tháng triển khai, thực hiện Đề án 06/CP; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024. Tập trung rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS năm 2024, nhất là các chỉ tiêu còn thấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp cụ thể khắc phục, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số dịch vụ công trực tuyến. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS; tháng 9 năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông phải khai giảng được 2 lớp về công nghệ thông tin tại tỉnh.

Liên quan đến hạ tầng, đồng chí nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ cắt mạng 2G để phát triển 5G; đề nghị Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận việc lắp đặt các trạm phát sóng. Cùng đó nghiên cứu đưa một số dịch vụ thanh toán trực tuyến với hình thức thu phí 0 đồng. Công ty Điện lực chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông và các huyện, thị xã, TP nghiên cứu xây dựng Đề án thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng. Đối với mỗi ngành, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể.